Một sự kiện quan trọng diễn ra trong ngày 5/12 là Hội nghị thường niên Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF 2014). Sau 20 năm tổ chức Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) trở nên quen thuộc với người Việt Nam, thì từ năm 2013, các kỳ CG đã được thay thế bằng tên gọi mới: Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam VDPF. Tính chất của kỳ họp đã thay đổi, thể hiện ở tên gọi mới, với những thay đổi lớn trong cách tiếp nhận nguồn vốn từ các đối tác phát triển, cũng như việc triển khai các dự án mục tiêu.

Trong gần 30 năm đổi mới, có đến 20 năm Việt Nam nhận vốn viện trợ phát triển chính thức từ các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế, cùng tài trợ của các quốc gia phát triển. Đây là nguồn lực vô cùng quý báu, giúp Việt Nam vươn lên trong quá trình đổi mới, từ quốc gia nghèo bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp.

dien_dan_1_mohf.jpg
Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF 2014) diễn ra tại Hà Nội

Bắt đầu từ năm 2013, với tâm thế mới, Việt Nam đã lựa chọn cách thức mới để thu hút các nguồn vốn hỗ trợ phát triển. Đó là đối thoại chính sách với những nhà tài trợ trước đây, nay trở thành đối tác phát triển và mong muốn thu hút thêm những đối tác mới.

Khi trở thành nước có thu nhập trung bình, chúng ta không còn nằm trong diện nhận vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, giảm dần nhận nguồn vốn trợ cấp ưu đãi không lãi IDA,  mà chuyển sang vay vốn IBRD - nguồn hỗ trợ với mức lãi suất thấp từ các đối tác phát triển. Điểm khác biệt lớn so với giai đoạn nhận tài trợ trước đây là Việt Nam trở thành đối tác thảo luận với các đối tác phát triển, chủ động trong các chương trình đầu tư mục tiêu, bên cạnh hoàn thiện hạ tầng, thì tập trung nhiều vào các dự án hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn lực. Đây cũng là bước chuyển lớn trong tư duy phát triển ở tầm vĩ mô, ví như một gia đình đã thoát khỏi diện nghèo, phải chủ động trong hướng làm ăn, phát triển, chứ không thể trông chờ, ỷ lại vào các khoản trợ cấp, hỗ trợ. Có vay, phải có trả, nên phải biết sử dụng đồng vốn vay thật hiệu quả.  

Hội nghị thường niên Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam năm nay có chủ đề: “Cải cách thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”. Đây chính là những nhóm vấn đề đã xuất hiện từ thực tiễn Việt Nam, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, hướng đến một nền kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững.  

Trong báo cáo thường niên về kinh tế Việt Nam 2014 do Ngân hàng Thế giới- một trong những đối tác phát triển lớn nhất của nước ta vừa công bố tuần này, bên cạnh việc ghi nhận những điểm sáng trong ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế trên đà hồi phục, Ngân hàng thế giới cũng chỉ ra những biểu hiện đáng lo ngại như số lượng doanh nghiệp nội giải thể, rời khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Nền kinh tế với sức cầu yếu, tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp Nhà nước khá chậm chạp, hệ thống ngân hàng còn nhiều vấn đề.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 1/4 tổng vốn đầu tư, 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, cho thấy động lực tăng trưởng đang phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp này.

Từ đây, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra một khuyến nghị đáng chú ý: “Không một quốc gia phát triển nào chỉ chú trọng vào vốn đầu tư nước ngoài. Để thành công, Việt Nam cần có khối kinh tế tư nhân mạnh ở trong nước, song song cùng tồn tại với khối FDI”.

Các đối tác phát triển ghi nhận năm 2014 này Việt Nam đã có những chuyển động mạnh mẽ hơn trong cải cách thủ tục hành chính, như cam kết và hành động để giảm thời gian nộp thuế; cắt giảm thủ tục, thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp; rồi về cải cách thể chế kinh tế sẽ có bước chuyển quan trọng ngay trong năm sau, khi các Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực, tạo điều kiện phát huy tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nhưng cũng còn đó rất nhiều hạn chế, rào cản, như nhận định của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam vừa diễn ra cách đây ít ngày.

Với một tâm thế mới- đối tác phát triển, chứ không chỉ là quốc gia nhận tài trợ, đòi hỏi sự chuyển biến nhanh hơn, từ tư duy sang hành động cụ thể, không chỉ dừng ở tầm vĩ mô, quyết tâm ở một vài tư lệnh ngành, mà chuyển biến này phải được lan tỏa, để thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có việc sử dụng những đồng vốn vay ưu đãi một cách chủ động và hiệu quả cho phát triển bền vững./.