Sau một thời gian tạm lắng thì gần đây, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại với những biến đổi mới, nguy hiểm hơn. Đáng lo ngại khi nước láng giềng Trung Quốc đã có hơn 100 người mắc, 24 người chết vì nhiễm cúm gia cầm H7N9- một chủng mới có độc lực rất cao.

Nguy cơ lây lan loại dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm từ sự kết hợp giữa chim hoang dã và gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc tới Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian nếu không kịp thời có những biện pháp ngăn chặn triệt để.

Thông tin từ lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Trong 3 ngày nghỉ lễ, lực lượng hải quan và biên phòng tỉnh này đã liên tục bắt giữ 3 vụ vận chuyển với số lượng gần 3 vạn con gà có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc. Đây cũng chỉ là một số ít trong nhiều vụ vận chuyển gia cầm lậu từ biên giới tuồn về nước ta, từ gia cầm giống đến gia cầm thải loại. Vì lợi nhuận, các chủ hàng sẵn sàng tìm mọi cách nhập lậu gia cầm, bất chấp những quy định, nghiêm cấm của các cơ quan chức năng, thậm chí coi thường cả tính mạng của mình và cộng đồng khi mang mầm bệnh nguy hiểm từ nước ngoài vào.

tiem-phong.jpg
Tiêm phòng cho gia cầm (Ảnh: VTC)

Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc dường như rất khó để khống chế được dịch cúm H7N9, với tốc độ lây lan chóng mặt, hiện đã lan rộng ra 9 tỉnh thành nước này. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo: H7N9 là loại virus dễ gây chết người nhất từ trước đến nay, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả chủng virus H5N1 từng giết chết 350 người trên toàn thế giới hồi năm 2003. Điều này khiến dư luận quốc tế lo ngại về nguy cơ bùng nổ đại dịch trên quy mô lớn nhất tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Vì thế, gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc chính là mối nguy cơ cao nhất khiến loại virus nguy hiểm H7N9 xâm nhập vào nước ta. Trong khi đó, cuộc chiến với dịch cúm gia cầm ở trong nước cũng đang ngày một nóng lên khi ngày càng nhiều địa phương tái phát dịch cúm A/H5N1. Không chỉ ở những đàn gia cầm, thủy cầm mà hàng đàn chim yến nuôi ở Ninh Thuận cũng bị chết vì dịch bệnh. Cũng mới đây thôi, một cháu bé 4 tuổi ở Đồng Tháp đã tử vong do nhiễm cúm A/H5N1.

Trước tình hình này, Chính phủ, các Bộ, ngành và nhiều địa phương đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ngay trước dịp nghỉ lễ 30/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát từ 2h sáng cũng đã đích thân đi kiểm tra công tác kiểm soát, ngăn chặn gà thải loại, gia cầm không rõ nguồn gốc tại chợ đầu mối Hà Vĩ, Thường Tín, Hà Nội. Điều đó cho thấy, sự quyết liệt vào cuộc của lãnh đạo Chính phủ, Bộ chuyên ngành để phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, để có được sự thành công trong phòng chống dịch cúm gia cầm hiện nay, bên cạnh sự chỉ đạo mạnh mẽ của cấp trên, điều quan trọng là mỗi chính quyền cơ sở, mỗi người dân phải nâng cao ý thức, không lơ là chủ quan với dịch bệnh, tránh trường hợp “trên nóng” nhưng “dưới lạnh” như đã từng xảy ra.

Nước ta đang đứng trước sự đe dọa của 3 loại dịch cúm nguy hiểm (H5N1, H1N1 và H7N9), nếu lây sang người thì chưa có vaccine phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là những loại cúm nguy hiểm, độc lực cao, tỷ lệ tử vong lên đến 50%, thậm chí có thời điểm lên đến 100%. Vì thế “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như chăn nuôi đảm bảo an toàn, tuyệt đối không tiếp xúc, giết mổ gia cầm ốm, chết; phát hiện gia cầm, chim yến ốm, chết phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời.

Việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu cũng cần làm mạnh, làm nghiêm ngay từ các vùng biên giới với quan điểm: nơi nào để xảy ra hiện tượng buôn gia cầm lậu qua biên giới, người đứng đầu chính quyền địa bàn đó phải chịu trách nhiệm.

Và một biện pháp “phòng” quan trọng nữa là tiêm vaccine. Có lẽ do thời gian qua, các địa phương đã bỏ qua khâu tiêm phòng cho đàn gia cầm nên dịch cúm lại có cơ hội bùng phát. Tiêm loại vaccine nào và tổ chức tiêm như thế nào cho hiệu quả là câu hỏi đặt ra cho ngành Thú y tới đây để ngăn ngừa dịch bệnh./.