Thời gian gần đây, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của một số Bộ, ngành sau khi ban hành đã gây bức xúc trong dư luận, gây tranh cãi trong giới chuyên môn. Thực trạng ấy cho thấy, quy trình ban hành văn bản; quy trình xử lý sai sót của văn bản; quy trình kiểm tra, kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật đã và đang có vấn đề, có nhiều lỗ hổng. Dù vô tình hay hữu ý, lỗ hổng đó cũng sẽ là mảnh đất “vàng” phát sinh mầm mống tiêu cực, phát sinh “nhóm lợi ích”. Phần nào, nó còn làm xáo trộn trật tự xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, giảm sút lòng tin của người dân vào cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong 10 năm, từ 2003 đến 2013, các cơ quan kiểm tra văn bản phát hiện hơn 50.000 văn bản sai trái, trong khoảng 1,7 triệu văn bản được tiếp nhận, kiểm tra. Riêng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp đã phát hiện hơn 4.800 văn bản sai trái trong 27.000 văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra và xử lý của mình. Mới đây, có những thông tư, hướng dẫn của một số Bộ, ngành lại “gây bão” trong dư luận, trong các chuyên gia pháp luật.  

Thông tư là văn bản quy phạm pháp luật, được ban hành bởi cơ quan quản lý Nhà nước nhằm hướng dẫn thực hiện luật và văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng lâu nay, dường như ít ai quan tâm tới việc luật quy định như thế nào, nghị định quy định ra sao mà chỉ quan tâm nhiều tới những nội dung được nêu trong thông tư hướng dẫn để thực hiện.

van-ban-phap-luat.jpg
Cơ quan chức năng phải đảm bảo kiểm tra, giám sát và đề xuất biện pháp xử lý các văn bản pháp luật (ảnh minh họa)

Coi thông tư là “chính”, vậy nên, một số cơ quan quản lý Nhà nước “tự cho phép” đưa thêm vào những quy định mà văn bản có tính pháp lý cao hơn không đề cập; tự quy định những nội dung lẽ ra thuộc thẩm quyền của Chính phủ, hoặc Quốc hội chứ không dừng lại thẩm quyền của Bộ, ngành. Điều đáng đề cập nữa là những quy định, hướng dẫn ấy vừa không đúng quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, vừa tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng chịu sự điều chỉnh của chính sách. Cũng chính tự xác lập “quyền” trong ban hành, khi phát hiện có sai sót hoặc bất cập, người dân phản ứng, cơ quan chức năng đề nghị, thậm chí Chính phủ yêu cầu báo cáo, nhưng người, cơ quan ra văn bản trái luật, xa rời thực tế vẫn coi như chưa hề được nhắc nhở. Điều này cho thấy thái độ không nghiêm túc, thiếu ý thức tuân thủ nguyên tắc trong quản lý Nhà nước.

Vấn đề xem xét, xử lý trách nhiệm (kể cả trách nhiệm hình sự) đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã được quy định cụ thể trong Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, Luật Cán bộ, công chức, Luật Hình sự. Một trong những nội dung hàng đầu thuộc trách nhiệm của cán bộ, công chức thi hành công vụ là ban hành thể chế, văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng hàng chục năm nay, chưa có ai bị xử lý hoặc bồi thường trách nhiệm một cách nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật về hành vi tham mưu sai, ban hành văn bản sai. Có thể do thế mà văn bản có dấu hiệu trái pháp luật hàng năm đã không giảm lại còn tăng cả về số lượng lẫn mức độ ảnh hưởng, mức độ phi thực tế. Điều này khiến dư luận bức xúc, đặt ra yêu cầu cần có biện pháp xử lý hậu quả phát sinh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Nó còn làm cho niềm tin của người dân vào cơ quan quản lý Nhà nước giảm đi ít nhiều.

Trong công tác quản lý Nhà nước, khi ban hành văn bản dù đó là văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản áp dụng pháp luật, văn bản hướng dẫn cũng đều phải đảm bảo các nguyên tắc và yêu cầu về trình tự, thủ tục; về thẩm quyền ban hành; về tính hợp hiến, hợp pháp; về tính khả thi. Và cơ quan chức năng phải đảm bảo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý các văn bản có dấu hiệu trái luật, thiếu tính khả thi.

Những năm qua, Bộ Tư pháp đã thực thi nhiệm vụ kiểm định tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan thuộc Chính phủ ban hành. Nhưng vì nhiều lý do, vai trò “gác cổng” của Bộ Tư pháp không được trọn vẹn, còn để lọt nhiều văn bản gây bất bình trong dư luận xã hội. Hơn nữa, vì không phải là một cơ quan độc lập, lại tổ chức kiểm tra, giám sát các văn bản, đặc biệt là văn bản liên quan đến việc điều hành các doanh nghiệp Nhà nước nên gây khó cho Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Bởi thế, cần một cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập, giúp Quốc hội thực hiện chức năng giám sát hoạt động của Chính phủ, các Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; hoặc tăng thẩm quyền cho cơ quan kiểm tra văn bản sau khi văn bản được ban hành là điều cần được tính đến. Cùng với đó, là sự giám sát tối cao của Quốc hội đối với việc chấp hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời xử lý nghiêm khắc hành vi không chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật trong việc ban hành văn bản, hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Có như vậy mới góp phần hạn chế tiêu cực, đảm bảo trật tự xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước. Và có như vậy mới không còn những văn bản pháp luật “gây bão” trong lòng dân./.