Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII diễn ra vào cuối năm với nhiều nội dung quan trọng, được cử tri cả nước kỳ vọng ở kỳ họp này. Quốc hội sẽ tập trung trí lực đánh giá một cách chính xác tình hình kinh tế- xã hội của đất nước, bàn bạc thấu đáo những vấn đề quan trọng về quốc kế dân sinh, đề ra giải pháp khả thi để tiếp tục nhân lên những kết quả bước đầu của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đưa đất nước vượt qua khó khăn, phát triển ổn định trong thời gian tới.
Không phải chờ đến khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trước Quốc hội thì những dấu hiệu lạc quan của nền kinh tế đất nước mới được người dân biết đến. Trước đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn kinh tế, nhiều chuyên gia đã có những nhận định khả quan khi cho rằng, tình hình kinh tế từ đầu năm đến nay tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Khu vực dịch vụ phát triển khá, xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng, tiếp tục đà xuất siêu. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm… Những tín hiệu tích cực này đã giúp cho tăng trưởng kinh tế được cải thiện qua từng quý.
Tính chung 9 tháng, kinh tế tăng trưởng 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước và ước cả năm đạt 5,8%. Đến thời điểm này, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch và 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch.
Tuy nhiên, điều cử tri cả nước quan tâm lại là phần tồn tại trong báo cáo của Thủ tướng. Đó là: “ Môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh cải thiện chậm, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, việc xử lý nợ xấu vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao. Nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng thương mại còn chậm chạp...”.
Mặc dù cho rằng, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của Việt Nam đều trong giới hạn cho phép (không quá 65% GDP), nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận định nợ công đang tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Bàn giải pháp phát triển đất nước là bàn về quốc kế. Đó là việc Quốc hội đã, đang và sẽ phải làm tốt để không phụ lòng tin, kỳ vọng của dân về những vấn đề trọng đại của đất nước. Nhưng cử tri cũng mong mỏi Quốc hội sẽ bàn nhiều hơn đến về những vấn đề dân sinh. Bởi dân có yên, có giàu thì nước mới thịnh. Làm gì để nông dân bớt đi nỗi nhọc nhằn, sản phẩm làm ra tiêu thụ ổn định để lo cho gia đình; người nội trợ ra chợ không còn lo giá tăng trên trời, thực phẩm, hoa quả nhiễm độc; Ốm đau đến bệnh viện không cần phải giấu thẻ bảo hiểm y tế; Ra đường đỡ phải nơm nớp lo sợ tai nạn giao thông, lo bị cướp bóc, lừa gạt. Cử tri cũng mong sao giá nhà hạ xuống để người thu nhập trung bình sau mươi, mười lăm năm tiết kiệm có thể mua được một căn nhà lấy chỗ trú thân.
Cử tri kỳ vọng các phiên chất vấn tại Quốc hội tiếp tục được nâng cao về chất lượng, đại biểu chất vấn phải nói được tiếng nói của dân; việc giải trình cũng phải mạnh mẽ, trả lời đúng câu hỏi, đúng trọng tâm, phân tích thấu đáo, sâu sắc mọi mặt của vấn đề, để các giải pháp được thông qua, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp , các ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những kết quả và chuyển biến tích cực, đất nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Không có một "cây đũa thần”, một phép mầu nào mà trong thoáng chốc có thể đưa nền kinh tế đất nước cất cánh. Nền kinh tế của chúng ta đang bị tác động rất lớn của kinh tế thế giới, phải tìm cách giảm sự lệ thuộc bên ngoài, trong khi tình hình Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, bằng sự đoàn kết, nhất trí, dân chủ, quyết tâm cao, đất nước ta nhất định sẽ vượt qua được những khó khăn thách thức, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra./.