Hình ảnh cảnh sát giao thông lao ra chặn đầu xe, truy đuổi tài xế xe vi phạm giao thông rồi đu bám trên cần gạt nước, nhảy lên nắp ca-pô ô tô giờ đây không phải là chuyện hiếm lạ. Với cách thực thi công vụ như vậy, hậu quả xảy ra nhiều khi rất đáng tiếc. Gần đây nhất là vụ một CSGT ở Hà Nội bị lái xe tải bỏ chạy kéo lê hàng chục mét khiến anh bị thương nghiêm trọng. Sự việc này một lần nữa khiến dư luận băn khoăn: CSGT khi thi hành công vụ không nhất thiết phải lấy thân mình để ngăn chặn hành động vi phạm pháp luật này. Bởi “lợi bất cập hại”.

csgt_bi_keo_le_icql.jpg
Thượng úy Đạt bị tài xế kéo lê khoảng 20m, bị đa chấn thương nặng.

Thứ nhất, tâm lý chung khi bị CSGT chặn xe, chưa cần biết có vi phạm hay không nhưng người lái xe thường bị mất bình tĩnh. Trong trường hợp này, nếu CSGT cố gắng rượt đuổi có khi sự việc lại vượt tầm kiểm soát, lái xe mất bình tĩnh, không làm chủ được tay lái có khi lại gây tai nạn cho người khác.

Thứ hai, hình ảnh CSGT đu bám trên nắp ca-pô ô tô, bám vào cần gạt nước, lao ra chặn đầu xe… gây phản cảm vô cùng. Ngày nay, hệ thống giám sát giao thông ngày càng được kiện toàn. CSGT được trang bị bộ đàm, phương tiện giám sát, phương tiện giao thông… để làm nhiệm vụ. Không cần phải lao ra giữa làn xe cộ đang chạy rầm rầm chỉ để dừng một lái xe vi phạm giao thông, có khi còn khiến cả những người không vi phạm cũng hoảng loạn thì liệu có nên làm?

Thứ ba, khi CSGT phải “xả thân” chặn người vi phạm đã khiến nhiều người cho rằng, người dân không sợ pháp luật, không sợ người thực thi pháp luật và CSGT cũng thể hiện sự bất lực của mình trước các hành vi vi phạm giao thông?!

Trên các diễn đàn, trang mạng những ngày qua, liên quan vụ xe tải kéo trung úy CSGT hàng chục mét, nhiều người bày tỏ thái độ bất bình với hành vi chống đối người thi hành công vụ, nhưng cũng không ít ý kiến “trách” anh CSGT đã có phản ứng không cần thiết. Bởi khi thực thi công vụ, trong tay anh có đầy đủ các phương tiện, anh có thể thông báo thông tin cho đồng đội ở các chốt chặn… chứ không phải chỉ có duy nhất cách bám chặt vào chiếc xe “điên” đang tìm mọi cách thoát khỏi sự kiểm soát của CSGT. CSGT có nhiều cách để xử lý vi phạm, không nhất thiết phải chặn đầu xe.

Mới đây, Hà Nội thí điểm CSGT được phép sử dụng hình ảnh camera để “phạt nguội” các lái xe vi phạm trật tự giao thông. Điều này cũng có nghĩa, CSGT không phải sử dụng biện pháp “cảm tử” để buộc người vi phạm phải dừng xe để xử lý vi phạm như thời gian vừa qua.

Nói như vậy không có nghĩa là CSGT chỉ đứng trên đường, tìm sự an toàn cho riêng mình. Trong nhiều tình huống rất cần sự xả thân của các anh, ví dụ như cướp giật, phóng nhanh vượt ẩu, vận chuyển ma túy, vũ khí, hàng cấm… Nhưng làm gì thì nguyên tắc hàng đầu là đảm bảo đảm an toàn tính mạng bản thân, kiểm soát an toàn giao thông.

Lý do nào khiến tình trạng CSGT nhảy lên nắp ca-pô xe, đu bám trên cần gạt nước hoặc rượt đuổi xe vi phạm như phim hành động? Đó có phải một phần vì ý thức người tham gia giao thông còn kém, phần vì luật pháp chưa nghiêm và kỹ năng nghề nghiệp của CSGT chưa ổn. Thời gian qua, hành vi chống người thi hành công vụ, chống đối cảnh sát giao thông… đa phần mới chỉ xử lý hành chính nên dẫn đến tình trạng “nhờn” luật. Chính vì thế, các cơ quan chuyên môn cần sớm kiến nghị Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật để có chế tài xử lý nghiêm những kẻ cố tình chống đối CSGT khi làm nhiệm vụ.

Theo các chuyên gia pháp luật, những trường hợp tài xế bị CSGT ra hiệu lệnh dừng mà vẫn điều khiển xe bỏ chạy gây hậu quả nghiêm trọng thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự. Một số ý kiến đề xuất, nếu đủ yếu tố cấu thành thì đề nghị xem xét truy tố về tội “Giết người”.

Sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông cũng đồng nghĩa với việc trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp. Ngoài các kiến thức nghề nghiệp cần có thì CSGT cũng cần có kỹ năng, kinh nghiệm ứng xử với các tình huống vi phạm trên đường. Khi luật pháp nghiêm, CSGT có kỹ năng, kinh nghiệm thì sẽ không còn cảnh CSGT “ôm xe cảm tử”./.