Từ ngày 10 - 14/10, tại thành phố Kinshasa, Cộng hòa Congo, diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 Tổ chức quốc tế Pháp ngữ. Với chủ đề "Pháp ngữ, những thách thức về môi trường, kinh tế đối mặt với sự quản trị toàn cầu", rõ ràng Tổ chức quốc tế Pháp ngữ cùng 75 quốc gia thành viên và quan sát viên của tổ chức này ý thức về yêu cầu phải thúc đẩy một vai trò thực sự. Bởi chưa khi nào bài toán định mệnh về hiệu quả và bản sắc lại đặt ra cấp thiết cho tổ chức này như hiện nay.

Tiếng nói trong các vấn đề toàn cầu – Đã nhiều nhưng chưa hiệu quả

Không phủ nhận rằng thời gian qua, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ đã có nhiều tiếng nói trong các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là việc gìn giữ hòa bình tại một số điểm nóng – thuộc các quốc gia thành viên của tổ chức; hay vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính… Thế nhưng, dù số lượng nhiều, song hiệu quả tiếng nói của Pháp ngữ chưa nổi bật. Nhiều chuyên gia về Pháp ngữ vẫn không khỏi lo lắng về vai trò và hiệu quả hoạt động của tổ chức.

 

28-09-giao-su-frederic-rame.jpg
Giáo sư Frederic Ramel tại Viện nghiên cứu chính trị của Pháp (Sciences Po)

Anh Nguyễn Khánh Toàn, người vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Pháp về chủ đề “Pháp ngữ - chủ thể trong quan hệ quốc tế hiện đại” phân tích: “Trong việc chuyển đổi từ một tổ chức hợp tác về văn hóa sang chính trị, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đã thể hiện vai trò quan trọng nhất là trong những năm gần đây như vận động thông qua Công ước UNESCO về đa dạng văn hóa hay Tổ chức Pháp ngữ rất năng động trong các cuộc thảo luận lớn trên thế giới như biến đổi khí hậu toàn cầu, thương mại quốc tế. Nhưng bởi vì đặc tính là tập hợp nhiều nước từ những thành phần, khu vực khác nhau nên việc tìm được sự hòa hợp, tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, nhất là những vấn đề nhạy cảm, thì vai trò của tổ chức rất hạn chế”.

Giáo sư Frederic Ramel tại Viện nghiên cứu chính trị của Pháp (Sciences Po) nhận định: “Ảnh hưởng của Pháp ngữ phải được hiểu bằng những luồng ảnh hưởng riêng của các quốc gia thành viên trong các tổ chức quốc tế đặc biệt trong các tổ chức gìn giữ hòa bình, cộng với luồng tư tưởng chung giữa Pháp ngữ với các tổ chức quốc tế khác. Nhưng ngày này các luồng ảnh hưởng này không mạnh mẽ và vững chắc. Mặc dù giờ đây các nước thành viên Pháp ngữ có liên quan trong nhiều vấn đề lớn của thế giới, đặc biệt là các điểm nóng, nhưng thực tế là nhiều nước trong đó không còn sử dụng tiếng Pháp và cũng không có đủ tầm ảnh hưởng và sức mạnh. Sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các quốc gia thành viên cũng là một điểm yếu làm suy giảm ảnh hưởng của Tổ chức Pháp ngữ”.

Trước thực tế tổ chức chưa phát huy hiệu quả và đem lại những lợi ích như mong muốn, đã có một số quốc gia thành viên có ý định ra khỏi tổ chức này. Vài ngày trước Hội nghị thượng đỉnh, một trong những thành viên tại châu Phi là Gabon đã tuyên bố sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng tiếng Anh hơn là tiếng Pháp ở quốc gia này.

Kinh tế như một trụ cột hợp tác

“Có bột mới gột nên hồ”, các nước thành viên Pháp ngữ đều hiểu rằng phải thúc đẩy hợp tác kinh tế thực chất thì mới có thể đưa tổ chức phát triển hiệu quả và các quốc gia thành viên mới tích cực tham gia.

Đã từ lâu, dự án đẩy hợp tác kinh tế thành một trụ cột phát triển của Tổ chức Pháp ngữ được nói tới và trên thực tế, một số quốc gia thành viên của tổ chức đã tham gia tích cực vào mô hình hợp tác 3 bên cùng với LHQ.

Tiềm năng của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ rất lớn khi 75 quốc gia thành viên và quan sát viên tạo một thị trường rộng lớn với hơn 890 triệu người tiêu dùng, chiếm 12,6% dân số thế giới và khoảng 13% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

Trao đổi thương mại giữa các thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ năm 2011 tăng lên hơn 688 tỷ USD và chiếm khoảng 19% cả trong giá trị xuất khẩu cũng như nhập khẩu của thế giới. Tuy nhiên, để thúc đẩy hợp tác kinh tế như một trụ cột chính thức trong Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Bà Monique Liral - một giáo viên tiếng Pháp tại Guyan vừa tham gia một cuộc hội thảo về Pháp ngữ tại Pháp, bày tỏ sự hoài nghi:

“Rõ ràng vấn đề là tổ chức cần có tiền, có quỹ tài chính mạnh để phát triển cũng như cần giúp các quốc gia thành viên có được những lợi ích thực chất. Có rất nhiều người đấu tranh cho sự tồn tại của tổ chức Pháp ngữ, có những lý thuyết và ý tưởng hay, nhưng không có một quỹ tài chính mạnh để triển khai. Tôi cũng không biết hợp tác kinh tế liệu có thành công để là một trụ cột của tổ chức được hay không, nhưng cần phải bàn đến việc đó và có những hành động thực sự vì chúng ta vẫn có thể có nhiều hy vọng”.

Sự có mặt của Tổng thống Holland – Nước Pháp tích cực hơn?

Việc Tổng thống mới của Pháp - Francois Hollande sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ năm nay – cũng là chuyến công du châu Phi đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông - là chi tiết rất đáng chú ý.

Mặc dù Pháp có nhiều đóng góp và hoạt động trong các cơ quan như Cơ quan Đại học Pháp ngữ; kênh truyền hình TV5; họp Liên minh các nghị viện, Hiệp hội Thị trưởng các thành phố nói tiếng pháp…, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng vai trò của Pháp chưa đủ tích cực để vực dậy một tổ chức được hình thành và phát triển trên nền tảng ngôn ngữ và văn hóa tiếng Pháp. Do đó, sự có mặt của Tổng thống Hollande tại hội nghị thượng đỉnh lần này cùng tuyên bố của ông mang theo thông điệp của nước Pháp phần nào tạo hy vọng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần nhìn nhận một cách khách quan và có chừng mực về Tổ chức quốc tế Pháp ngữ - gốc rễ vẫn chỉ là một tổ chức dựa trên nền tảng ngôn ngữ và văn hóa, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng – sẽ trở thành gánh nặng quá sức đối với tổ chức này./.