Cô giáo có chồng đang công tác ở đảo xa bị điều chuyển công tác đã suy kiệt vì phải sống trong cảnh bị đẩy đi đẩy lại như quả bóng; giữa Thủ đô Hà Nội, một cô giáo đánh thâm tím chân tay học sinh chỉ vì lỗi mải chơi vào muộn giờ học; ở Kiên Giang, một thầy Hiệu trưởng có năng lực viết đơn xin thôi việc vì những bất đồng trong công tác quản lý cán bộ, chuyên môn của lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh này… và những câu chuyện không hồi kết về những khoản thu "trời ơi" đầu năm học mới bao nhiêu năm qua không xử lý triệt để... khiến niềm tin, sự kính trọng với ngành giáo dục bị ảnh hưởng. 

co_giao_tu_tu_kyff.jpg
Người thân chăm sóc cô giáo nghi uống thuốc ngủ tự tử ở Hải Phòng (ảnh Internet)

Hàng loạt chuyện xảy ra vậy khiến người ta lo lắng cho những giá trị cốt lõi của giáo dục: tính nhân văn - đang bị hủy hoại. Niềm tin xã hội đối với giáo dục đang bị xói mòn.

Sự việc xảy ra ở Hải Phòng thật đau lòng và đáng trách. Một ngành có nghĩa vụ cao cả là "trồng người" nhưng lại có cách cư xử, sắp xếp công việc không dựa trên hoàn cảnh, năng lực thực tế, không có sự chia sẻ, ưu tiên... với những người thực sự cần ưu tiên. Câu chuyện này khiến dư luận quan tâm và bức xúc ở chỗ, vì sao chồng của cô giáo, cha của 3 đứa con nhỏ đã thường phải xa nhà làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà nhà trường không có sự ưu tiên một chút. Nếu có nhận được sự ưu ái hơn các đồng nghiệp khác chắc chắn cũng không ai bì tị hay ý kiến gì.

Đi tìm nguyên nhân sâu xa của sự việc này, câu trả lời vẫn quen thuộc là "điều chuyển đúng qui trình". Thế nhưng, cái qui trình ấy do ai nghĩ ra mà nó cứng nhắc, không thấu tình đạt lý đến như vậy? Ai cũng biết, lâu nay, câu chuyện biên chế trong ngành giáo dục vẫn luôn nổi cộm. Nhiều nơi tuyển thừa, tuyển vượt chỉ tiêu, đến lúc vượt quá số lượng qui định thì lại tìm cách chạy chọt, xin xỏ, điều chuyển... Giá như, công tác tuyển dụng viên chức được thực hiện nghiêm túc, đúng - đủ... thì câu chuyện này ở Hải Phòng có lẽ đã không xảy ra.

Vẫn biết, bất kể ngành nghề nào, điều chuyển cán bộ là chuyện rất bình thường. Thế nhưng, sự sàng lọc điều chuyển ấy phải bắt nguồn từ năng lực chuyên môn, công khai, minh bạch, tùy thuộc hoàn cảnh cá nhân (phải thuộc diện ưu tiên) chứ không thể bằng những nhóm lợi ích, sự thân hữu, bạn bè.

Còn sự việc một cô giáo sắp nghỉ hưu ở Hà Nội dùng thước kẻ đánh thâm tím chân học trò cũng khiến dư luận phẫn nộ. Vì sao, người được coi là mẹ hiền thứ hai lại ra những đòn roi nặng nề trên thân thể những em bé còn quá nhỏ, ngây thơ đến vậy? Bạo lực học đường đáng tiếc lại xảy ra từ chính giáo viên đối với học sinh, khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng.

Bạo lực không đơn giản là chuyện đòn roi, mà còn cả những "khủng bố" tinh thần, sự trù dập, sự không ghi nhận sự tiến bộ của học sinh... Phụ huynh biết đấy nhưng nhiều khi không dám lên tiếng vì sợ con mình lại tiếp tục bị nhận sự ghẻ lạnh của thầy cô, bạn bè.

Những người làm trong ngành giáo dục, ngoài việc truyền đạt kiến thức còn phải là những tấm gương điển hình trong ứng xử và hoàn thiện nhân cách. Khi mà vẫn còn quá nhiều toan tính cá nhân, lợi ích cục bộ thì mọi sự tiêu cực đều "đổ đầu học sinh" và như thế hình ảnh ngành giáo dục nước nhà khó có thể được cải thiện trong mắt người dân./.