Những thông tin, hình ảnh không chuẩn mực của các nhà giáo xuất hiện trên các trang mạng gây sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Sở dĩ, dư luận quan tâm, bất bình với cách hành xử, đặc biệt là phát ngôn “khó lọt tai” của các thầy, cô giáo vì họ chính là những người làm nghề cao quí – trồng người, bất kỳ lời nói, việc làm nào của các thầy cô cũng ảnh hưởng tới học sinh.
Nhiều người coi facebook là nơi trút giận! |
Từ vụ cô giáo “bọ cạp” Lê Na mắng học sinh không tiếc lời đến việc cô giáo trường mầm non chất lượng cao Bình Minh (Thanh Trì, Hà Nội) dùng những lời lẽ xỉ vả học sinh của mình trên facebook, khiến nhiều người có con em đi học lo lắng. Từ mầm non đến đại học, trong môi trường giáo dục mà con em họ phải tiếp xúc với những thứ phản giáo dục nhất.
Ở vụ việc lần này, cô giáo mầm non bày tỏ sự mệt mỏi, gọi học sinh là "bọn giặc" kèm theo bình luận "Học sinh thì mất dạy... Chỉ muốn tát vào mặt nó thôi". Lý do được cô giáo này đưa ra là buồn phiền chuyện gia đình nên không kiềm chế được cảm xúc dẫn đến những lời không hay trên Facebook.
Còn nhớ, trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) và mới đây là trường Nguyễn Đức Cảnh, ở Thái Bình đã đưa ra những qui định cụ thể với học sinh về việc vào Facebook. Câu chuyện này còn nhiều tranh cãi, có ý kiến cho rằng làm như vậy là vi phạm quyền tự do cá nhân, nhưng ý kiến khác lại ủng hộ… và cũng chưa có bất kỳ cơ quan quản lý giáo dục nào lên tiếng mà mới dừng ở những đơn vị nhỏ lẻ.
Mạng xã hội đã trở thành “một phần cuộc sống” của rất nhiều người. Và cũng có nhiều người lầm tưởng rằng mạng xã hội là “ảo”, muốn nói, muốn bày tỏ gì thì tùy thích vì chẳng mấy người biết mình là ai. Nhưng sức mạnh của nó là ghê gớm. Một việc gì đó hơi bất thường một chút sẽ được lan truyền nhanh chóng mặt trên mạng.
Nếu sử dụng Facebook không đúng cách sẽ dễ khiến nhiều người có suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống thực. Thực tế đã có nhiều bạn trẻ tung tin đồn nhảm nhí lên facebook chỉ để “câu view, câu like”. Hẳn mọi người còn nhớ chuyện một cô gái xưng xưng nói mình đang nuôi con tử tù đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Cô nhận được rất nhiều sự chia sẻ, cảm thông. Thế nhưng sau đó, cư dân mạng mới “té ngửa” vì đó chỉ là thông tin được cô đưa ra để thu hút cộng đồng mạng để câu like...
Trở lại câu chuyện của cô giáo Thảo, nhiều người đồng tình với cách xử lý của Hiệu trưởng. Thế nhưng, các cơ quan quản lý nói chung, nhất là với ngành giáo dục cần có biện pháp dài hơi, có tính răn đe, ngăn chặn chứ không thể cứ đi giải quyết theo sự vụ. Khi đuổi việc một người mà người đó không vi phạm vào những điều cấm kỵ của nhà trường hay các điều luật liên quan đến người lao động thì đơn vị sử dụng lao động lại rất lúng túng. Trong lúc ngành giáo dục còn quá nhiều việc phải làm, phải “xốc” lại thì những việc nhỏ như cần có một qui chế, hướng dẫn hay những điều cần tránh khi sử dụng facebook đối với giáo viên, học sinh là cần thiết.
Chia sẻ cảm xúc cá nhân trên Facebook không ai cấm. Nhưng không phải trên facebook, một người có thể tự do bày tỏ tất cả mọi thứ, kể cả nói tục, chửi bậy hay xúc phạm người khác. Tự do chia sẻ nhưng chia sẻ ở mức độ nào, chừng mực nào mới là điều quan trọng. Nhiều người, coi Facebook nhưng cái phòng riêng của mình, “khoe” từ chuyện chăn gối đến những thứ thầm kín cá nhân. Có người lên Facebook để nói xấu bạn bè, đồng nghiệp, gia đình vợ (chồng); hẹn hò để “thanh toán”, đánh nhau… Vậy dùng facebook như thế nào cho an toàn, cho đúng chuẩn mực là điều đáng được quan tâm.
Trước khi có các qui định, qui chuẩn của một ngành, nghề nào đó về việc sử dụng facebook thì mỗi người cần tự biết cách kiểm soát mình. Không phải chỉ cô giáo, học sinh mới có “vùng cấm” khi sử dụng mạng xã hội./.