Vừa qua, dư luận chú ý đến 2 thông tin quan trọng liên quan đến công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công chức. Thứ nhất là ý tưởng sẽ thi tuyển cán bộ từ cấp Vụ trưởng trở xuống và chuyện UBND quận I, TP HCM thí điểm đặt máy cho dân chấm điểm cán bộ. Hai thông tin này gây sự chú ý đặc biệt bởi nếu được thực thi bài bản, trên diện rộng, chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi chưa từng có về thái độ phục vụ cũng như chất lượng cán bộ của các cơ quan công quyền.

hanh-chinh.jpg

Người dân có thể cho điểm về thái độ và chất lượng phục vụ của công chức

Ý tưởng tổ chức thi tuyển từ cấp Vụ trưởng trở xuống được ông Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu ra tại một cuộc hội thảo gần đây về cải cách hành chính do Học viện Hành chính tổ chức. Ông Tuấn cho rằng, không thể duy trì mãi nếp nghĩ “sống lâu lên lão làng”. Muốn chọn được cán bộ, công chức thực sự có năng lực thì cần phải qua cơ chế cạnh tranh một cách minh bạch, sòng phẳng giữa nhiều ứng cử viên. Việc cất nhắc cán bộ từ cấp thấp lên cấp cao hơn cũng sẽ thực hiện theo hình thức thi tuyển như vậy, có thế mới chọn được người ưu tú nhất.

Đề án này đang được Bộ Nội vụ xây dựng để sớm trình Chính phủ. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống quy chuẩn đánh giá cán bộ, Bộ Nội vụ cũng sẽ hướng tới xây dựng chuẩn đánh giá công chức thông qua mức độ hài lòng của người dân.

Cùng thời gian với tiết lộ nói trên của ông Trần Văn Tuấn, UBND quận I, TP HCM đã chính thức thí điểm đặt máy cho dân chấm điểm về thái độ và chất lượng phục vụ của công chức. Sau khi được cung cấp dịch vụ hành chính, công dân sẽ đánh giá qua hệ thống máy tính đặt tại công sở về hai tiêu chí: sự đúng hẹn và mức độ thân thiện của công chức khi phục vụ mình. Quận I còn đăng ảnh của cán bộ công chức để người dân khỏi bị nhầm và cũng không ngại khi có câu hỏi đánh giá chất lượng phục vụ dân của chính UBND quận.

Từ khi có hình thức chấm điểm này, người dân rất hào hứng tham gia và thực tế là thái độ phục vụ của cán bộ những nơi có máy chấm điểm rõ ràng là vui vẻ, nhiệt tình hơn hẳn các nơi khác!

Hai câu chuyện trên đây (một mới chỉ là dự định, một đã được triển khai) đều là những ý tưởng quá hay và rất hợp lòng dân; đồng thời hợp lòng những cán bộ có năng lực, làm việc nghiêm túc và khát khao cống hiến.

Đề án của Bộ Nội vụ nếu được triển khai chắc chắn sẽ góp phần cải thiện căn bản chất lượng cán bộ lãnh đạo. Những người được lựa chọn công khai, minh bạch, qua môi trưởng cạnh tranh, ắt phải là người có năng lực. Khi được chọn theo cách này, họ cũng có thêm tự tin và nhiệt huyết làm việc. Hiệu quả công việc của họ do vậy cũng khó mà thấp kém được.

Đây không chỉ là mơ ước của người dân mà còn là mơ ước của rất nhiều công chức đang làm việc trong hệ thống công quyền. Được làm việc trong một môi trường cạnh tranh minh bạch, công bằng, với nhiều người đôi khi còn là ưu tiên cao hơn cả chế độ lương bổng và những đãi ngộ khác.

Tất nhiên, để chọn được người thực tài phải thông qua một hệ thống tiêu chí đánh giá mang tính tổng hợp, thuyết phục và cũng cần kết hợp với các hình thức bồi dưỡng, đánh giá cán bộ đang có. Mục tiêu cuối cùng là không để lọt người hiền - tài và không để lọt lưới người không hiền - tài.

Còn cách làm của quận I, TP HCM có thể được coi là bước đột phá tiếp theo khi đã chọn được cán bộ thông qua thi tuyển. Điều mà những cán bộ lười nhác, thoái hóa biến chất, năng lực yếu kém… sợ nhất là bị dân “soi”, bị dân cho điểm. Điều họ sợ hơn là nếu bị cho điểm kém, họ sẽ nhận chế tài, nhẹ là hạ bậc thi đua, trừ thưởng, phạt lương, nặng là có thể bị loại ra khỏi bộ máy. Ngược lại, người có năng lực, nghiêm túc sẽ thấy vui vì mình không bị đánh đồng với ai đó.

Tất nhiên, bên cạnh hình thức dân cho điểm, cũng cần áp dụng nhiều phương pháp khác nữa để đánh giá được chính xác thái độ và chất lượng phục vụ của cán bộ. Quan trọng hơn, khi đã có đánh giá rồi thì phải có hình thức xử lý tiếp theo, cả chế tài, cả khen thưởng cất nhắc thỏa đáng.

Điều mà dân đang mong muốn là các ý tưởng này càng sớm đi vào cuộc sống càng tốt, được triển khai ra diện rộng và ngày càng có hiệu quả.

Có lẽ đó là con đường phải đi thật nhanh và không thể khác được nếu chúng ta không muốn nhìn bộ máy hành chính của mình lạc điệu với cuộc sống và bị cuộc sống đào thải./.