Theo kế hoạch, đến hết tháng 12 này, các Bộ, ngành, địa phương phải tinh giản được 35.500 người. Thế nhưng, cho đến nay, tính từ năm 2015, cả nước mới chỉ giảm được 17.500 người.

Trên thực tế, việc một sở bổ nhiệm đến 44 là cán bộ quản lý như ở Hải Dương, hay việc ngày càng phình to bộ máy cán bộ, công chức vẫn là những vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Bởi chưa tinh giản biên chế là lãng phí tiền thuế của người dân.

cong_chuc_xa_lybn.jpg

“Quá chậm” - đó là cụm từ mà lãnh đạo Bộ Nội vụ đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc tinh giản biên chế cách đây mấy ngày. Thực ra, câu chuyện chậm trễ cho đến nay hoàn toàn không gây sốc, bởi tình trạng này đã tồn tại hàng chục năm nay. Và có lẽ, trong các báo cáo về kết quả tinh giản biên chế, cụm từ này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ năm này sang năm khác. Đến mức nghe nhiều, thành quen. 

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong gần 2 năm, các Bộ ngành, địa phương chỉ giảm được 17.500 người, trong đó, hơn 15.000 người là do nghỉ hưu. Như vậy, thực giản chỉ là hơn 1.650 người. Đó chỉ là giảm cho có, chứ chưa thực sự giảm theo Nghị quyết của Chính phủ.

Tinh giản biên chế có quá khó đến mức các cơ quan chức năng phải bất lực hoặc có làm cũng chỉ để đối phó như vậy không? Cho dù Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã rất nhắc nhở về công tác này.

Theo các chuyên gia cải cách hành chính, tinh giản bộ máy công chức không phải là việc làm khó. Chỉ khó khi có sự ràng buộc nào đó mà thôi.       

Sự công tâm, khách quan sẽ giải quyết được thực trạng này. Bởi, sự công tâm ấy được thực hiện xuyên suốt trong quá trình điều hành của lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, khi ấy sẽ không có chuyện dư thừa cán bộ, công chức. Không có sự chậm trễ, đắn đo, suy tính khi phải đưa ra quyết định buộc thôi việc với một ai đó, khi không đáp ứng được nhu cầu công việc.

Nếu có sự công tâm thì sẽ không có chuyện, một sở của tỉnh Hải Dương đã bổ nhiệm cán bộ tràn lan đến mức, cả bộ máy hành chính chỉ có 2 người là chuyên viên. Theo cách ví von của ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đó là mô hình kim tự tháp ngược. Lẽ ra chỉ có 2 lãnh đạo và 44 nhân viên, chứ không thể 44 lãnh đạo và 2 nhân viên.

Lấp liếm và ngụy biện cho sự tréo ngoe ấy, nguyên lãnh đạo Sở này đã cho rằng, do khối lượng công việc quá lớn nên đã phải bổ nhiệm. Bổ nhiệm là vì cán bộ, vì dân. Sự vì dân này thật nực cười và lố bịch. Khi ai cũng biết, đằng sau việc bổ nhiệm tràn lan là vì ai, vì điều gì?!

Đáng tiếc, sự tùy tiện, coi thường quy định này không phải là cá biệt. Đó là một sự thật đáng suy ngẫm trong nền hành chính công vụ của chúng ta.

Không những thế, cho dù Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành thực hiện cơ chế gọn nhẹ trong bộ máy tổ chức hành chính. Nhưng, thực tế ở đâu đó vẫn có những bộ máy ra đời, hoặc phinh to.

Một bộ máy hành chính cồng kềnh sẽ là sự lãng phí lớn với đồng thuế của người dân đã và đang đóng góp.

Trở lại vấn đề, tại sao việc thực hiện tinh giản biên chế chưa có được kết quả như mong muốn. Vẫn có những công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Vẫn có những công chức làm giả, nhưng lĩnh lương thật. Trong khi đó, con số tinh giản mới chỉ được thực hiện rất chậm, chưa có sự chuyển biến thực chất.

Phải chăng là do chưa có những quy định đủ mạnh, quyết liệt để những  người đứng đầu cơ quan, bộ ngành, địa phương phải thực sự tinh giản biên chế, coi đây là nhiệm vụ quan trọng.

Và để giải bài toán tinh giản biên chế, trước hết phải mạnh dạn cắt giảm những cán bộ, công chức không đủ năng lực, chứ không phải là đánh đồng, mượn con số của những cán bộ công chức đủ tiêu chuẩn nghỉ hưu để báo cáo lấy thành tích. 

Sau đó là việc tinh giản ở chính những chủ trương từ khâu tuyển dụng công chức, đó mới là phần cốt lõi của vấn đề.

Nếu chưa tinh giản biên chế, chúng ta đang lãng phí tiền thuế của người dân./.