Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai phương hướng công tác nhân sự và quy trình giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII những người có một trong các khuyết điểm về: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ…

Yêu cầu này luôn được đặt ra trong công tác nhân sự, đặc biệt là mỗi kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt nữa trong bối cảnh chính trị-kinh tế-xã hội hiện nay, đòi hỏi những người làm công tác nhân sự phải thật trong sáng, công tâm, khách quan.

hoi_nghi_trung_uong_aiss_xpdl.jpg
Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XI (Ảnh: Vũ Duy)

Hệ quả của không trong sáng, công tâm, khách quan trong công tác nhân sự, không phân tích nhiều cũng đủ thấy nguy hại như thế nào. Nó sẽ tạo nên “một bộ phận không nhỏ” như bầy sâu mọt đục ruỗng cơ thể của Nhà nước, làm suy yếu, kéo lùi sự phát triển của đất nước; nó sẽ đục ruỗng lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào luật pháp, vào sự công tâm; nó sẽ tạo ra và làm bùng lên những bức xúc, ẩn ức trong xã hội.

Vậy nên, trong bất kỳ công việc nào, hoạt động nào, đặc biệt là công tác nhân sự càng cần phải thật trong sáng, thật công tâm, thật khách quan.

Trong quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước, phải thẳng thắn nhìn nhận, đã có lúc chúng ta chưa đảm bảo được yêu cầu đó, còn để cho bàn tay “đen” của “lợi ích nhóm”, của tham vọng tiền tài-địa vị thò vào, chi phối.

Bởi vậy mới có “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài,… tham nhũng, lãng phí...” như nhận định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Bởi vậy mới có hàng nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người giữ chức vụ cao về Đảng, về chính quyền bị xử lý, kỷ luật.

Bởi vậy mới có “một đội ngũ giàu rất nhanh, làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng” như Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ -Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng đã nhận định.

Bởi vậy mới có những chính sách, văn bản quy phạm pháp luật do “lobby” (tức là vận động hành lang) để được ban hành, đi ngược lợi ích chung, phục vụ cho một hoặc các nhóm lợi ích câu kết với nhau lũng đoạn chính sách.

Rõ ràng, chỉ một sai lầm nhỏ trong công tác cán bộ sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường mà người gánh chịu hậu quả ấy không ai khác là “cơ thể” còn chưa thực sự khỏe mạnh của đất nước; là những người dân đang hằng ngày “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” làm ra của cải vật chất cho xã hội, để rồi bị những kẻ tham nhũng bòn rút.

Phải làm gì để lựa chọn được những người thực sự có “Tâm”, có “Tầm” vào bộ máy lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước? Để Ban Chấp hành Trung ương thật sự là hạt nhân lãnh đạo, là một tập thể đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động?

Đã có 4 yêu cầu cụ thể được đưa ra để lựa chọn, xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Trong đó việc các cấp ủy phải nắm vững, triển khai thật tốt các văn bản quy định, hướng dẫn, giới thiệu chuẩn xác nhân sự là một yếu tố vô cùng quan trọng. Bởi, giới thiệu là khâu bắt đầu của quy trình nhân sự. Có giới thiệu đúng mới tạo điều kiện để lựa chọn đúng, quyết định đúng.

Một vấn đề không thể xem nhẹ trong công tác nhân sự là đề cao tính minh bạch, công khai; sự giám sát của xã hội, sự công tâm của người dân khi đánh giá, lựa chọn cán bộ. Hơn ai hết, người dân hiểu rõ phẩm chất, năng lực của cán bộ. Vì thế, những trường hợp vì mục đích, tham vọng cá nhân, vì “lợi ích nhóm” mà câu kết để luồn lách giữ vị trí quan trọng trong Đảng, trong chính quyền sẽ không thể dễ dàng qua được tai mắt của nhân dân. Có như vậy mới gạt bỏ được những cán bộ không làm đúng, không nắm chắc chủ trương đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm "đầy tớ nhân dân" mà chỉ muốn làm "quan cách mạng”.

Đây là việc làm khó! Khó, nhưng nếu như chúng ta dám nghĩ, dám hành động, không vụ lợi, không đánh giá lệch lạc, không bị chi phổi bởi một thế lực nào thì chắc chắn sẽ làm được. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chúng ta làm với sự trong sáng, công tâm, khách quan thì sẽ lựa chọn những người xứng đáng nhất vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của cấp ủy các địa phương, cũng như các bộ, ban, ngành Trung ương./.