Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chủ trương thắt chặt chi tiêu thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không cần thiết nhằm tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã bố trí. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính công bố trong tuần qua cho thấy, 8 tháng qua, chẳng những không tiết kiệm được mà các địa phương, đơn vị còn chi tiêu kiểu “vung tay quá trán”, khiến nhiều người không khỏi lo lắng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận: Chi tiêu thường xuyên không ngừng tăng với tốc độ rất nhanh. Trong 3 năm gần đây, năm nào cũng vượt 10%. Tình trạng hội họp, tiếp khách, lễ hội tràn lan, hội nghị khoa học, hội thảo vượt định mức, mua sắm ô tô đắt tiền vẫn chưa được siết chặt.

111-ngan-sach.jpg
Lũy kế thu chi ngân sách Nhà nước từ 15/6-30/9/2012 (Ảnh: SGTT)

Với hơn 424.400 tỉ đồng, chi thường xuyên 8 tháng qua chiếm 70% tổng chi ngân sách. Đây là khoản chi cho hoạt động của bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở. Tiếc là, trong số tiền này có cả lương cho 30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi tối vác về”, do bộ máy hành chính cồng kềnh.

Giữa lúc đất nước còn phải vay nợ để đầu tư, thì kiểu “vung tay quá trán” rõ là lãng phí, mà là lãng phí kép. Bởi số tiền chi không đúng chỗ, không đúng cách ấy đã tước mất cơ hội để những cán bộ công chức giỏi đảm bảo thu nhập, yên tâm sáng tạo, cống hiến; tước mất cơ hội để chúng ta có những công trình dự án thiết thực của cơ sở hạ tầng, đẻ ra tiền cho đất nước.

Cũng trong tuần, tại buổi thảo luận Dự thảo Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng sửa đổi, các báo cáo thẩm tra với những số liệu cũng cho thấy sự thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Thủ tướng rất “bức xúc” với những dự án xây chợ để... bỏ hoang, làm đường miền núi mà "hoành tráng quá cỡ”. Ông Vinh thừa nhận: “Lãng phí nhiều nhất là chủ trương đầu tư công”.

Ở Hà Nội, một sân vận động cấp huyện chi phí xây dựng 200 tỷ đồng, có cả phòng họp báo quốc tế, nhưng “năm thì mười họa” mới có thi đấu thể thao giao hữu, hoặc vài ba cuộc giao lưu của các sở ngành mỗi năm. Ở miệt biển Cà Mau, cảng biển Năm Căn cả trăm tỷ đồng thì đìu hiu, hoang phế, không một bóng tàu...  Một tỉnh miền núi ở Tây Nguyên làm đường 60-70 mét, kinh phí cả nghìn tỉ đồng, nhưng chẳng có xe nào chạy qua, được bà con tận dụng để... phơi sắn. Lại có tỉnh miền Trung làm con đường hơn 60 tỉ đồng ở miền núi nhưng chỉ có 10 hộ dân hưởng lợi. Trong khi có trường học phải lấy hàng rào làm nhà vệ sinh thì cũng ở tỉnh này, một trường 300 học sinh lại có đến 3 nhà vệ sinh kinh phí cả nửa tỉ đồng.

Những vụ việc lãng phí này gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế. Nhất là trong điều kiện khó khăn, rất cần tiết kiệm nguồn lực để xây dựng đất nước, cải thiện điều kiện sống của người dân.

Vì sao “chủ tịch tỉnh không biết có bao nhiêu tiền trong túi vẫn cứ làm tràn lan, cứ vẽ ra dự án rồi đi chạy” như một vị Bộ trưởng đã nói? Chính sự sơ hở của chính sách, cơ chế xin cho lâu nay đã tạo nên thói quen ỷ lại ở một số lãnh đạo địa phương. Vì thế, hy vọng trong kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua LuậtThực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng sửa đổi bổ sung, tạo những “công cụ pháp lý” đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng này. /.