Vào những ngày cuối cùng của năm Quý Tỵ này, khi nhiều gia đình chuẩn bị đón con em là sinh viên các trường đại học được nghỉ tết Giáp Ngọ, thì 4 gia đình của 4 sinh viên trường Đại học Bách Khoa TP HCM phải đau đớn đón nhận thi thể không còn nguyên vẹn của các con. Đau đớn hơn, là chính 1sinh viên tự gây nên thảm nạn thương tâm ấy bằng hành vi sử dụng thuốc nổ để làm pháo đốt trong dịp Tết. Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ của cơ quan chức năng; công tác quản lý, giám sát con người của chính quyền và các đoàn thể; về ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân.

Sau vụ nổ do chế tạo pháo ở TP HCM, làm chết 4 sinh viên, một sinh viên khác bị thương nặng vào ngày 11/1 vừa qua, nhiều người mới giật mình kiểm lại hậu quả của nó gây ra cho xã hội.

chay-no.jpg
Lực lượng phòng cháy chữa cháy đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ cháy ở Đại học Bách Khoa TP HCM (Ảnh: Tuổi trẻ)

Năm 2013, cả nước xảy ra gần 2.600 vụ cháy nổ, làm chết hơn 120 người, gần 350 người bị thương. Đáng lo ngại là, so với năm 2012 số vụ cháy nổ tăng gần 10%. Cùng với đó là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước, của người dân bị thiệt hại do cháy nổ. Riêng TP HCM, năm 2013 có 8 vụ nổ làm 13 người chết, 13 người bị thương. Trong đó có 3 vụ liên quan đến thuốc nổ, vật liệu nổ.

Những con số thống kê tuy lạnh lùng, nhưng lại tiếp tục phản ánh thực trạng lỏng lẻo trong công tác quản lý vật liệu nổ của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cơ sở. Trong vụ việc này, một sinh viên đã mua các chất gây nổ ở chợ để chế tạo pháo. Nhiều trường hợp khác, thuốc nổ cũng được mua ở chợ hoặc các nguồn trôi nổi.

Hẳn không ai có thể quên, ngày 24/2/2013, vụ nổ kinh hoàng làm sập 3 ngôi nhà, 10 người thiệt mạng, 3 người bị thương tại Công ty Lạc Việt chuyên làm đạo cụ tạo các cảnh cháy nổ, khói lửa cung cấp cho các đoàn làm phim ở thành phố Hồ Chí Minh do ông Lê Minh Phương làm chủ. “Kho” thuốc của Công ty (và là nơi sinh hoạt của cả gia đình ông Phương) cũng được mua từ các chợ trên địa bàn thành phố. Câu hỏi được đặt ra là, vì sao các chất gây nổ lại được mua quá dễ dàng như vậy? Vì sao chính quyền, người dân không phát hiện được hành vi sử dụng thuốc nổ trái phép trên địa bàn?

Có một thực tế là các cơ quan quản lý, các ngành chức năng dường như đang “thả nổi” ngành hàng kinh doanh có điều kiện này. Không “thả nổi” thì vì sao có tới vài trăm cơ sở kinh doanh hóa chất trên địa bàn TP HCM mà chỉ có vài chục cơ sở hoạt động có giấy phép kinh doanh? Không “thả nổi” thì vì sao bất kể ai cũng có thể mua các loại hóa chất, các loại chất gây cháy, nổ ở bất cứ đâu; bất cứ số lượng ít hay nhiều, không rõ người mua sử dụng vào mục đích gì?

Còn nữa, trong các vụ việc, rõ ràng chính quyền, người dân, đặc biệt là người cho thuê nhà đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, giám sát để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm. Đó cũng phải được hiểu rằng, họ đã “thả nổi”, tạo điều kiện cho hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, nguyên nhân gây ra các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Chỉ sau khi những vụ cháy, nổ xảy ra, câu chuyện về quản lý, về trách nhiệm mới lại được đưa ra, mới lại được bàn đến. Nhưng tiếc rằng, dường như nó cũng rất dễ bị lãng quên. Chính bởi thế nên cháy, nổ vẫn là nỗi khiếp sợ, là mối đe dọa cuộc sống của nhiều người. Và nó vẫn tiếp tục gây ra những nỗi đau tột cùng, gây ra những thiệt hại khó đong đếm được của cả một đời người gây dựng!

Đáng tiếc, chính những người trong cuộc cũng là tác nhân gây nên nỗi đau ấy. Không chỉ bản thân họ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình khác. Trong vụ nổ do chế tạo pháo, gây ra cái chết thương tâm của 4 sinh viên trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, lẽ ra, là những người có học thức, hơn ai hết họ phải hiểu mức độ nguy hiểm, mức độ vi phạm pháp luật của hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng vật liệu nổ. Nếu ý thức được điều ấy, chắc rằng giờ đây gia đình họ không phải chịu nỗi mất mát không gì có thể bù đắp nổi.

Dù rằng, qua vụ việc này, cơ quan chức năng TP HCM đã đưa ra yêu cầu và có những việc làm cần thiết; siết chặt lại từ hoạt động kinh doanh đến việc sử dụng các chất có nguy cơ cháy, nổ cao; từ việc đề cao trách nhiệm của cơ quan quản lý đến trách nhiệm của từng cá nhân; nhưng tổn thất nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra nếu người dân không có ý thức chấp hành việc phòng chống cháy, nổ ở khu dân cư, không bảo đảm mọi quy định về an ninh, trật tự và chính quyền địa phương buông lỏng quản lý.

Chỉ khi nào các cơ quan quản lý và từng người dân thực hiện nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về quản lý vật liệu nổ, lúc đó cuộc sống của cả cộng đồng mới thực sự bình yên./.