Cuộc sống bức bách, mâu thuẫn gia đình, bế tắc trong cuộc sống… khiến nhiều người không chịu đựng nổi, không tìm ra lối thoát đã tìm đến cái chết. Nhưng đáng trách hơn, đáng suy nghĩ hơn là ngoài kết thúc cuộc sống của mình nhiều người trước khi xa lìa cõi đời còn kéo theo cả những đứa trẻ vô tội – những đứa con ruột thịt của họ.

Mới hôm qua (14/9), tại Tây Ninh, ba cháu bé thiệt mạng thương tâm trong vụ cháy cho chính cha mình gây nên. Trước đó ít ngày, tại Hà Tĩnh, một người mẹ trẻ cùng đứa con 26 tháng tuổi chết trong nhà với vết thắt ở cổ. Đọc xong những dòng tin tức này, nhiều người chỉ biết lắc đầu thắc mắc: “Không hiểu họ nghĩ gì mà bắt con mình phải chết thảm thương như vậy?”.

Theo các chuyên gia tâm lý, cuộc sống hiện đại khiến nhiều người hiện nay rất dễ khủng hoảng tâm lý và khủng hoảng niềm tin, đến nỗi nhiều trường hợp không có chuyện gì lớn cũng đi đến tự tử. Mâu thuẫn gia đình là điều rất bình thường, nhưng nhiều người không tự giải quyết nổi đã tìm đến cái chết. Thế nhưng, điều đáng trách hơn nữa là những người làm cha/mẹ khi chết thường ép con của mình cùng chết. Có ai giải thích nổi lý do tại sao những người cha, người mẹ tưởng như hiền lành, chân chất lại bắt những đứa con chính họ dứt ruột đẻ ra nuôi nấng, chăm bẵm? Có thế những người này muốn trả thù người khiến cho họ phải tìm đến cái chết, bởi một khi đứa bé chết sẽ làm những người này phải đau khổ, day dứt và ân hận suốt đời. Sự ích kỷ của người lớn đã vô tình đẩy những đứa trẻ vào những cái chết thương tâm. Có thể họ cho rằng, giải thoát cho con cũng là giải thoát cho mình!

Những người đã không giải quyết được cuộc sống của mình tìm đến cái chết đã đáng trách rồi, nhưng đáng trách hơn họ còn lôi cả nhứng đứa trẻ vô tội phải chết theo mình. Những đứa trẻ không có khả năng tự vệ, cuộc sống của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ mình, vậy mà chúng lại bị chính cha mẹ mình tước đoạt sự sống và quan trọng hơn, các bé không phải là người phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của người lớn. Vậy tại sao mạng sống quý giá của các em lại bị tước đoạt vô lý như vậy?

Những vụ cha mẹ tự tử hay có hành động hủy diệt cuộc sống của con cái vì bế tắc gia đình, bản thân thường gây sốc cho xã hội nhiều hơn là sự cảm thông, chia sẻ. Nhiều khi họ dành những lời nhiếc móc cho những hành động dại dột này của người lớn.

Ở nước ta, những căn bệnh như stress, trầm cảm, khủng hoảng tâm lý, tinh thần dường như ít được quan tâm. Bằng chứng là có rất ít cơ sở tư vấn về tâm lý kịp thời giải tỏa những bế tắc cho họ. Vấn đề này buộc các cơ quan quản lý phải vào cuộc. Chúng ta cần đào tạo và mở rộng các cơ sở phục hồi tâm lý cho những người bị trầm cảm, khủng hoảng, giảm thiểu tối đa nạn tự tử. Một xã hội mà tình trạng tự tử gia tăng là biểu hiện của một xã hội có nhiều bất an, rối loạn kỷ cương. Nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời thì không ai dám nói trước sẽ không có những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Gia đình và xã hội là hai yếu tố rất quan trọng tạo môi trường sống của con người. Môi trường sống có lành mạnh thì mới giúp con người sống lành mạnh tránh bị khuyết tật về tinh thần. Những suy nghĩ dày vò lâu ngày không có cách nào giải tỏa khiến họ có những suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc. Và hậu quả là những vụ tự tử thương tâm, kéo theo bao trẻ em vô tội phải chịu chung số phận./.