Trước khi trở thành Thứ trưởng Bộ Công thương, bà Thoa là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Vậy thử đặt câu hỏi, nếu bà Thoa hay những cá nhân như bà là lãnh đạo DN tư nhân, phải cạnh tranh lành mạnh với thị trường thì liệu tài sản họ có sinh sôi, nảy nở nhanh chóng và trở nên choáng ngợp như vậy không? Hay họ đã biết “chớp thời cơ” để thu vén lợi ích cá nhân? Những câu hỏi này dư luận đang cần được làm rõ.

thu_truong_ho_thi_kim_thoa_bnne.jpg
Thứ trưởng Kim Thoa trong một lần trao quyết định bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh

Trước mắt, những thắc mắc của dư luận có phần được giải tỏa khi Bộ Công Thương ra thông báo cho biết hiện Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đã đề nghị Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và các đơn vị liên quan có báo cáo. Theo đó, khẳng định số cổ phần mà bà Thoa nắm giữ là từ trước khi được bổ nhiệm thứ trưởng vào năm 2010.

Trước khi được bổ nhiệm làm thứ trưởng, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có 18 năm công tác tại Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang. Từ năm 2000 đến 2005 bà Thoa giữ chức bí thư đảng ủy, tổng giám đốc công ty; từ năm 2005 đến 2010 là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty.

Bộ Công thương khẳng định việc nắm giữ cổ phần tại Công ty Điện Quang đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm thứ trưởng vào năm 2009. Bộ này cũng khẳng định hồ sơ này đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định bổ nhiệm thứ trưởng đối với bà Thoa.

Bộ Công thương cũng nhấn mạnh trong quá trình công tác, bộ đã chỉ đạo đối với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa thực hiện đúng quy định về quản lý cán bộ và kê khai tài sản. Trong các bản kê khai tài sản hằng năm, Thứ trưởng Thoa đều kê khai số lượng cổ phiếu đang nắm giữ tại Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang.

Thế nhưng, dư luận lại đặt câu hỏi, Bộ Công Thương chỉ nắm thông tin về số tài sản này từ thời điểm bà Thoa được bổ nhiệm Thứ trưởng, còn nguồn gốc tài sản này do đâu mà có thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Và một điểm nữa, mặc dù sở hữu lượng lớn cổ phần tại Công ty Điện Quang nhưng tại sao bà Thoa vẫn được Bộ Công Thương phân công quản lý chính lĩnh vực có liên quan đến công ty này?

Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đảng viên có quyền làm giàu chính đáng. Nếu đảng viên mà nghèo thì biết lãnh đạo, chỉ đạo, bày cho ai cách làm giàu được. Nhưng vấn đề là việc làm giàu đó có chính đáng hay không thì các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý phải có trách nhiệm làm rõ, trả lời cho công luận.

Lâu nay, dư luận vẫn bất bình về việc, các DNNN được hưởng nhiều ưu đãi nhưng vẫn liên tục kêu thua lỗ. Song điều đáng nói hơn là dù thua lỗ nhưng các lãnh đạo DNNN lại vẫn hưởng mức lương khủng, sống vương giả.

Chúng ta đã thực hiện kê khai và công khai tài sản của những vị lãnh đạo nhưng những thông tin đó đã minh bạch chưa thì không ai dám khẳng định. Và dư luận rất mong sự minh bạch này càng sớm càng tốt./.