Thông tin nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là giới doanh nghiệp, đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015. Tại Nghị quyết này, hàng loạt mục tiêu cụ thể được đưa ra, như tiếp tục rút ngắn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội, tăng số doanh nghiệp kê khai và nộp thuế điện tử, giảm thời gian làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kỳ vọng, Nghị quyết sẽ được thực hiện với tinh thần quyết liệt, để những cải cách thủ tục hành chính mang lại hiệu quả thực chất, môi trường kinh doanh thực sự được cải thiện, chứ không chỉ dừng lại ở các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành.

hanh_chinh_tr_rkgs.jpg
Người nộp thuế đến nhận hồ sơ thuế tại bộ phận “một cửa” của Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Có thể nói, chưa khi nào các cải cách thủ tục hành chính được thực hiện trên diện rộng, nhanh và dồn dập như năm 2014 vừa qua, sau khi Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh năm 2014 được ban hành, vào thời điểm tháng 3, cách đây vừa tròn một năm.

Những kết quả cải cách thủ tục hành chính đã được lượng hóa: Đến cuối năm 2014, thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm được 290 giờ, từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm. Thời gian dành cho việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến nộp bảo hiểm xã hội giảm còn khoảng 200 giờ/năm, đã giảm được 50% số giờ theo yêu cầu của Chính phủ.

Tiếp tục không khí khẩn trương cải cách thủ tục hành chính, những tháng đầu năm 2015 này, các ngành đã và đang thực hiện những công việc cụ thể. Như ngay trong ngày 10/3, Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử với 15 ngân hàng thương mại để mở rộng triển khai cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho người nộp thuế. Còn ngành bảo hiểm xã hội cũng đang ráo riết chuẩn bị, để bắt đầu từ ngày 1/4 tới, thí điểm doanh nghiệp áp dụng giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Các mục tiêu về thời gian giảm thủ tục hành chính thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, được chi tiết hóa đến từng nửa giờ. Ngay trong các báo cáo của các ngành chức năng về kết quả cải cách hành chính, cũng thống kê chi tiết tới cả nửa giờ.

Hiệu quả của cải cách hành chính, hướng tới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, để nâng cao năng lực cạnh tranh, hơn ai hết, các chủ doanh nghiệp, người kinh doanh là những người cảm nhận được rõ nhất.

Đã có nhiều lời cảm ơn chân thành của đại diện các doanh nghiệp gửi đến cơ quan chức năng, trong các buổi đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp vì những nỗ lực cải cách, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong năm qua.

Nhưng cũng còn nhiều nỗi phiền muộn, những phàn nàn, những kiến nghị. Những phàn nàn ở đây nhằm vào những quy trình cụ thể, những công đoạn, trình tự cụ thể. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với 1.500 doanh nghiệp hồi cuối năm ngoái – vào thời điểm cực kỳ sôi động của các cải cách thuế, hải quan vẫn cho thấy, có 37% doanh nghiệp cho rằng các quy định pháp luật về hải quan là "tương đối khó thực hiện". Về công tác tiếp nhận, kiểm tra và đăng ký tờ khai, 69% doanh nghiệp cho biết quy trình này mất hơn 30 phút - là khá lâu để nhận được phản hồi về số tờ khai và hướng dẫn làm tiếp thủ tục hải quan. Rất nhiều khâu đoạn, yêu cầu đã được loại bỏ trên giấy nhưng vẫn bị đòi hỏi trên thực tế. Thậm chí có nơi, cán bộ thuế, hải quan vẫn bắt doanh nghiệp bổ sung thêm những giấy tờ không có trong quy định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có lần phát biểu: “Thực tế, cùng quy trình thủ tục nhưng nơi làm tốt, nơi làm kém cho thấy vấn đề con người rất quan trọng. Vì vậy, chúng ta sửa thủ tục, quy trình là đúng song cần phải quan tâm đến việc đưa thủ tục đó vào cuộc sống ra sao, công khai, minh bạch và để xã hội, người dân giám sát chứ không thể giảm trên lý thuyết”.

Không thể giảm trên lý thuyết! Các cải cách hành chính phải thực chất, tư duy cải cách, đổi mới phải được “thấm” từ lãnh đạo cấp cao nhất, tới từng công chức, viên chức thực thi. Có như vậy, những chỉ tiêu, những kết quả được thống kê chi tiết về thời gian được giảm của các thủ tục, tới từng ngày, từng giờ mới trở nên thuyết phục, mới trở nên đáng tin cậy, mới trở thành những dữ liệu tham chiếu để doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước sử dụng trong kế hoạch, chiến lược, quyết định đầu tư kinh doanh của mình. Có như vậy, năng lực cạnh tranh quốc gia mới thực sự được cải thiện.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 1 vừa qua về khả năng Việt Nam có thể bị tụt hạng về chỉ số nộp thuế, theo cách đánh giá mới của định chế tài chính này, trong khi ngành thuế Việt Nam đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, là một tham khảo cần thiết để các ngành chức năng của Việt Nam rà soát, đánh giá lại các bước triển khai cải cách thủ tục hành chính của mình!./.