Dịch bệnh, cách ly là những thứ mà chẳng ai mong muốn nhưng vẫn phải đối mặt. Từ khi xuất hiện dịch Covid-19 ở Việt Nam, chúng ta đã tiến hành cách ly hàng chục ngàn người. Trong số đó, đa phần là hợp tác, chấp nhận và bình tĩnh cách ly nhưng cũng có một số người tỏ thái độ bất hợp tác, có những hành động tiêu cực như: trốn cách ly, tráo người cách ly, lên mạng xã hội than phiền về điều kiện sinh hoạt ở khu cách ly “ngột ngạt” và thiếu tiện nghi.
Hình ảnh được ghi tại trường Quân sự Sơn Tây (Hà Nội) trong lễ tiễn 248 người cách ly ngày 11/3. Ảnh: CTV Quang Vinh/VOV.VN |
Nhưng, xin khẳng định lại, đó chỉ là những trường hợp cá biệt, ảo tưởng về địa vị, ảo tưởng về sự hào nhoáng, quen hưởng thụ và ít khi nhìn xuống chân mình. Họ cho rằng, mình “bận rộn” hơn người khác, giờ lại bị “khóa” chân, “khóa” tay một chỗ thì cảm thấy bức bí, khó chịu. Họ đâu biết rằng, dù có là “ông hoàng”, “bà chúa” thì dịch bệnh cũng chẳng buông tha một ai và vì thế, nếu không chấp hành nghiêm các quy định y tế bắt buộc thì họ là người thiệt thòi nhất.
Nhưng, cũng chính trong cái không gian cách ly có phần hạn hẹp đó, tạm rời xa cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngoài kia, vượt qua nỗi lo lắng, bất an ban đầu, nhiều người đã coi đó là khoảng thời gian “sống chậm” để thấy những điều tốt đẹp, tử tế xung quanh.
14 ngày sẽ không dài dằng dặc, không buồn chán khi những con người xa lạ cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, chia nhau những thực phẩm tiếp tế từ gia đình, kết bạn qua facebook và lập hẳn một "Tổ dân phố online" để giúp đỡ, động viên nhau. Có người tận dụng khoảng thời gian “sống chậm” để đọc sách, lướt web và trò chuyện với người thân qua điện thoại...
14 ngày được các y bác sĩ thăm khám hàng ngày, được phục vụ cơm ăn, nước uống ngay tại phòng nghỉ, ấm áp và tình nghĩa. Với những du học sinh đã quen tính tự lập nơi xứ người, họ từ ngỡ ngàng đến nghẹn ngào xúc động. 2 tuần trôi qua thật nhẹ nhàng để đến khi ra khỏi khu cách ly, không ít ánh mắt quyến luyến, không thiếu những lời cảm ơn và trao nhau những cái ôm rất chặt.
Một du học sinh sau khi trở về từ Hàn Quốc đã truyền đi một thông điệp tích cực tới cộng đồng khi cho biết, cô vui vẻ chấp hành mọi thủ tục để được vào khu cách ly. Sau quãng thời gian được ăn, ở, sinh hoạt ở một nơi rộng rãi, thoáng mát và có những người lính tận tình phục vụ, cô đã viết rằng: “Có quê hương thế này để về, thật sự không còn biết cám ơn gì hơn nữa”. Với cô, tình yêu Tổ quốc giờ đây không còn mơ hồ mà nó hiển hiện trước mắt, thành hình hài, thành những điều giản dị mà chỉ ở trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, người ta mới cảm nhận được.
Trong khi đó, một lao động Việt Nam từ Nhật Bản trở về, quá cảnh ở Hàn Quốc và được cách ly ở trường Quân sự Sơn Tây (Hà Nội) lại viết: “Vào đây được khai báo y tế và sắp xếp chỗ ăn ở nhanh nhất có thể. Vì vậy, mình mới thấy tinh thần phòng chống dịch của Việt Nam cực kỳ nghiêm túc. Sau 2 ngày cách ly ở Sơn Tây, mình càng khẳng định Việt Nam là một quốc gia tuyệt vời. Và chúng mình tự hào là người Việt Nam”.
Từng sinh sống ở những quốc gia phát triển, tự do cá nhân được đề cao, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội trở thành tiêu chí của sự phát triển, thế nhưng, những người Việt trẻ vẫn không cảm thấy khó chịu khi sống ở khu cách ly. Họ tự nguyện, bình tĩnh và hợp tác cũng vì trách nhiệm với cộng đồng, với bản thân. Được nhìn và được thấy, họ dành cho đất nước những lời ngợi ca và tri ân sâu sắc.
Cực chẳng đã chúng ta mới phải tiến hành cách ly, hạn chế quyền tự do đi lại của công dân. Tất cả cũng chỉ vì mục tiêu cao nhất là kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa tốc độ lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người dân.
Bởi vậy, thay vì than phiền, thay vì tìm mọi cách để thoát khỏi khu cách ly, hãy tận dụng khoảng thời gian “sống chậm” để cảm nhận những điều tử tế xung quanh./.