Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2011/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập của công chức, có hiệu lực kể từ ngày 30/9/2011. Đây là một bước tiến mới về minh bạch hoá tài sản công chức, góp phần đẩy lùi nạn tham nhũng.
Điểm nhấn của Nghị định 68 là việc quy định bản kê khai tài sản phải được công khai, đồng thời bổ sung hình thức giáng chức, cách chức đối với cán bộ kê khai không trung thực. Việc công khai được quy định với hai hình thức: công bố tại cuộc họp cơ quan hoặc niêm yết tại nơi công tác. Cấp quản lý cán bộ có quyền tùy nghi lựa chọn.
Công khai tài sản của cán bộ công chức là một vấn đề được cả xã hội quan tâm. Nếu tài sản, thu nhập của cán bộ được minh bạch thì công dân sẽ giám sát, đánh giá được tính liêm chính của cán bộ. Đây là một điều kiện rất cơ bản để đầy lùi nạn tham nhũng, thanh sạch bộ máy công quyền.
Việc công khai và đưa ra những chế tài xử lý vi phạm trong khai báo tài sản khiến cho người dân thêm tin tưởng vào sự quyết tâm và nhất quán của Chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng, minh bạch là khắc tinh của tham nhũng. Kê khai tài sản là một trong những lĩnh vực khó kiểm soát và được cho là nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay. Thực hiện được những quy định trong Nghị định 68 được coi là một bước tiến rất thực chất để kiểm soát, xử lý và đặc biệt là phòng ngừa hành vi tham nhũng.
Tuy nhiên, để việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức không mang tính hình thức và đảm bảo có thể kiểm tra, giám sát và đánh giá được, còn cần nhiều biện pháp khác.
Vẫn còn những bất cập trong việc thực hiện kê khai công khai tài sản. Theo quy định của Nghị định 68, công chức chỉ phải kê khai công khai tài sản trong nội bộ cơ quan và được lưu cùng với hồ sơ cán bộ. Mà hồ sơ cán bộ lại được quản lý theo chế độ mật. Điều này phần nào hạn chế quyền được giám sát của công dân đối với cán bộ, công chức đã được Hiến pháp ghi nhận. Thực tế cho thấy, người dân ở cơ sở có thể nắm rõ được sự tăng, giảm tài sản của cán bộ, công chức nơi họ đang sinh sống. Và đã có nhiều những vụ tham nhũng được phanh phui nhờ sự phát giác của công dân.
Việc thẩm định giá trị tài sản của công chức cũng là điều đáng bàn. Thẩm định chính xác giá trị một bức tranh, một chiếc ôtô hay một căn nhà là việc không hề dễ dàng. Vì thế, Nghị định 68 đã nhấn mạnh, công chức tự chịu trách nhiệm khi kê khai công khai tài sản. Nhưng, mức độ trung thực ra sao cũng lại rất khó đo đếm. Như vậy, lại phải trông chờ vào chính những công chức có nghĩa vụ phải kê khai, công khai tài sản.
Việt Nam đã ký Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng, chống tham nhũng, trong Công ước quy định: Tài sản không giải trình được, bất minh thì phải bị tịch thu. Trong khi đó, luật pháp nước ta hiện tại mới chỉ quy định nếu kê khai không trung thực thì xử lý từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hay cho nghỉ việc.
Một lỗ hổng trong quản lí mà chính những người soạn thảo và thực thi nghị định 68 đã chỉ ra được, đó là trên thực tế, có nhiều trường hợp các công chức không đứng tên các tài sản của mình mà để tài sản “núp” dưới tên những người thân trong gia đình. Hiện chưa có chế tài nào xử lý vấn đề này. Vậy nên, trong thời gian tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ nghiên cứu để đề xuất các biện pháp ngăn chặn tình trạng đứng tên này.
Liên quan đến vấn đề kiểm soát thu nhập công chức nhằm phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng, hiện các cơ quan chức năng đang xây dựng Đề án kiểm soát thu nhập của những người có chức vụ. Tuy nhiên, lộ trình của đề án này cũng chưa được xác định rõ ràng. Đây là việc khó, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Bởi trên thế giới, nhiều nước đã kiểm soát rất tốt thu nhập, tài sản của công dân, nhờ thế mà chỉ số minh bạch và tính liêm chính của bộ máy công quyền được chấm điểm rất cao.
Chống tham nhũng là yêu cầu mang tính sống còn của thể chế, nó cũng là mệnh lệnh từ cuộc sống. Nghị định 68/2011/NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập của công chức, là một thông điệp cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng./.