Vụ bẻ cong đường vành đai 2 ở Hà Nội, với nghi vấn là để tránh nhà quan chức, đang làm mất thời gian của dư luận, với những chiều lý lẽ khác nhau. Song, con đường, cũng như mọi câu chuyện khác trong đời sống, sự thiếu ngay thẳng không bao giờ là lựa chọn tốt nhất.

Mọi con đường đều cần ngay thẳng. Nếu không vì điều kiện bất khả kháng như địa hình phức tạp không đảm bảo thi công, hoặc vướng di sản không thể phá bỏ, thì người ta mới buộc phải bẻ cong một con đường. Bởi con đường cong luôn dẫn đến những hệ lụy không chỉ tính bằng tiền, mà còn là thời gian, là sự an toàn, và cả tâm lý của cộng đồng.

duongcong.jpg
Con đường cong trên phố Trường Chinh (Ảnh: VNE)

Con đường vành đai 2 của Hà Nội không vướng phải những điều kiện bất khả kháng kể trên. Những lý lẽ quanh co rằng con đường cong để tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng chỉ là ngụy biện, bởi ở một khu vực có mật độ cư dân đông bậc nhất Hà Nội, thì sự chênh lệch chi phí giải phóng mặt bằng không đáng gì so với việc con đường bị kéo dài do bẻ cong.

Nhưng con đường đã bị bẻ cong, bởi những toan tính cong queo của con người. Có thể những toan tính cong queo đó không phải vì lợi ích của bản thân những người ra quyết định. Có thể đó chỉ đơn thuần xuất phát từ những ý nghĩ tưởng như có tình, bởi nếu con đường ngay thẳng sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của những người đã có công lao với thành phố. Nhưng, chính cái ý nghĩ tưởng như có tình ấy đã bẻ cong không chỉ con đường.

Dẫu “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” là một điều được xác tín ở mọi nơi, song chúng ta đều thấy bình thường trước những sự ưu tiên. Yếu tố bình đẳng đã bị triệt tiêu từ những chính sách cơ bản nhất khi việc ưu tiên bị lạm dụng.

Đã không còn bình đẳng khi lũ trẻ có thể được cộng điểm trong mỗi kỳ thi nhờ những lý do không liên quan đến năng lực học tập. Thậm chí, những người làm chính sách giáo dục còn từng đề xuất cộng điểm cho cả những bà mẹ Việt Nam Anh hùng khi đi thi đại học.

Lạm dụng sự ưu tiên là cách tốt nhất làm băng hoại xã hội. Vì được “ưu tiên” mà một ai đó thoải mái lái xe vượt đèn đỏ, với tâm lý có thể gọi điện cho người thân khi bị xử phạt. Vì luôn có những sự ưu tiên mà đám đông không còn đủ nhẫn nại khi xếp hàng. Vì tin vào sự ưu tiên nên có những người sẵn sàng đứng trên pháp luật. Không chỉ những con đường, pháp luật cũng luôn bị bẻ cong cũng bởi những sự ưu tiên.

Sự ưu tiên không phải bao giờ cũng bắt đầu bởi những lợi ích đen tối. Có thể là thế lực, có thể bởi tiền bạc, nhưng cũng có thể bởi những động cơ mang màu sắc nghĩa tình. Song, dù với bất cứ động cơ nào đi chăng nữa, việc ưu tiên một người, một nhóm người, hay một cộng đồng cũng đồng nghĩa với việc tước đi sự công bằng của người khác, cộng đồng khác. Bản chất việc ưu tiên luôn là động lực để nắn những ý nghĩ của chúng ta không còn ngay thẳng.

Một con đường bị bẻ cong, đó là thứ dễ được nhìn thấy, và khiến báo chí tốn giấy mực, dư luận tốn công để đồn đoán. Song, không chỉ có riêng những con đường, sự quanh co đang chi phối rất nhiều khía cạnh của đời sống hôm nay, nó thể hiện cả trong những chính sách, trong thói quen sống, trong ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi người chúng ta.

Một đô thị đàng hoàng, ngăn nắp cần có những con đường ngay thẳng.

Một đất nước muốn đàng hoàng, tử tế cần có những chính sách ngay thẳng.

Một xã hội lành mạnh thì người dân không cần phải quanh co toan tính trước những chế định của luật pháp.

Sự ngay thẳng là điều rất cần cho đất nước hôm nay, và hãy bắt đầu theo cách dễ thấy nhất. Đó là xây dựng những con đường ngay thẳng./.