Con số trên dưới 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, tổng hợp từ báo cáo sơ bộ của các địa phương được Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin, đang gây bất ngờ cho dư luận. Mặc dù Bộ Nội vụ cam kết cuối tháng 9 này sẽ họp báo công bố kết quả tổng hợp chính xác cuối cùng về đánh giá công chức cả nước, nhưng chắc hẳn khó củng cố được lòng tin của người dân về cách đánh giá thực chất chất lượng công chức hiện nay. Đằng sau con số 1% này có những vấn đề đáng phải suy nghĩ.
Việc cán bộ, công chức rảnh rỗi, “ngồi chơi xơi nước” hầu như ở địa phương nào, lĩnh vực nào cũng có, đặc biệt là trong lĩnh vực hành chính. Người dân chứng kiến không hiếm cảnh cán bộ, công chức la cà quán xá, nhậu nhẹt; đến cơ quan thì tán gẫu, chơi game. Tất nhiên, không phải phần lớn cán bộ, công chức, nhưng con số chắc chắn không thể chỉ là trên dưới 1%!
Hình minh họa cho việc công chức đến cơ quan chỉ để "điểm danh", ngồi chơi không chịu làm việc (nguồn: Dân Trí) |
Cách đây vài tháng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng, có tới 30% số công chức không có cũng được, họ làm việc theo kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp về", không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào. Nhưng nay, theo báo cáo sơ bộ của các địa phương thì chỉ có 1%!
Con số bất bình thường như thế, dư luận nghi ngờ không có gì đáng ngạc nhiên. Việc xác định đâu là con số chính xác cần có sự khảo sát của cơ quan chức năng; giám sát cụ thể của các Đoàn giám sát của Quốc hội, nhưng rõ ràng, khi đưa ra một con số, người có trách nhiệm không chỉ nói theo kiểu suy đoán mà đã có từ thực tiễn, từ phản ánh của người dân, từ việc “mắt thấy, tai nghe”. Vậy thì lẽ đương nhiên, báo cáo từ địa phương là không chính xác, nếu không muốn nói là sai thực tế, né tránh sự thật.
Cũng từ sự việc này cho thấy, lâu nay, việc báo cáo dường như chỉ để cho có. Những số liệu đem ra so sánh mới thấy, nó "vênh" nhau đến lạ kỳ. Trong công tác quản lý và trong bất kỳ công việc nào cũng cần được cung cấp thông tin, số liệu; cần có sự thống kê, đánh giá. Người làm công tác này không khách quan, thiếu trách nhiệm, chắc chắn sẽ dẫn đến những sai sót; mà những sai sót ấy nhiều khi lại có tác động xấu, làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của xã hội.
Đơn cử như số liệu tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước theo chuẩn nghèo chung năm 2012 của Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã "vênh" nhau 1,5%. Con số nào mới là thực? Lấy tỷ lệ phần trăm nào để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch, đề ra các giải pháp? Cơ quan nào cũng có "cái lý" để bảo vệ kết quả thống kê của mình, nhưng cái thấy trước mắt là nó làm ảnh hưởng đến việc ban hành chính sách, đến công tác quản lý, điều hành và ảnh hưởng đến cả cuộc sống của người dân được thụ hưởng chính sách.
Con số trên dưới 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Nội vụ tổng hợp sơ bộ từ các địa phương, một lần nữa đã phản ánh việc báo cáo chỉ để "làm báo cáo".
Điều dư luận thắc mắc là các địa phương đưa ra những căn cứ, tiêu chuẩn nào đánh giá chất lượng cán bộ để có một con số "đẹp như mơ" như vậy? Điều hiển nhiên, nếu có đến 99% cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ không có cán bộ đến cơ quan chỉ "đọc báo, uống nước", hết giờ ra về; sẽ không có chuyện người dân đến cơ quan chức năng năm lần, bảy lượt vẫn chưa được giải quyết công việc; sẽ không có chuyện, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay có gần 16.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật.
Lý giải cho con số chỉ 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, các địa phương cho rằng, chưa có tiêu chuẩn chung của Chính phủ nên chưa thể đánh giá cụ thể. Nhưng Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức đã nêu rõ ràng, cụ thể về quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài quy định chung, các cơ quan Nhà nước, cơ quan quản lý cũng đều quy định cụ thể, yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ, chấp hành, thực thi nhiệm vụ. Và điều quan trọng là dù tiêu chuẩn nào, điều kiện nào thì cuối cùng hiệu quả công việc sẽ là thước đo chính xác cán bộ ấy, công chức ấy, đảng viên ấy có hoàn thành nhiệm vụ được giao hay không. Bởi thế, nói "chưa có tiêu chuẩn chung" để đánh giá cán bộ chỉ là một sự biện hộ, né tránh thực tế ở địa phương mình, ngành mình.
Vấn đề chất lượng đội ngũ "cán bộ, công chức" được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng thừa nhận đây đang là vấn đề xã hội hết sức quan tâm. Chính vì sự quan tâm ấy mà dư luận mong mỏi sẽ có cách nhìn nhận thẳng thắn, đánh giá khách quan từ những người, cơ quan có trách nhiệm, để làm sao đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là những "công bộc" được người dân gửi gắm niềm tin; để con số 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ không còn gây bất ngờ cho dư luận xã hội./.