Sau hơn 3 năm điều hành giá xăng dầu theo Nghị định số 84/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính vừa công bố công khai việc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, việc công khai Quỹ sẽ tạo tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người dân giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ này cũng như giám sát việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường mà Chính phủ và các bộ ngành đang kiên trì thực hiện.

Tuy nhiên, cùng với những bất cập của Nghị định 84 buộc phải sửa đổi, thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một trong những điều được đề cập nhiều nhất bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Nên hay không nên tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu?

111-xang-dau.jpg
Công khai, minh bạch Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một nhu cầu rất chính đáng của người dân và doanh nghiệp (Ảnh: Internet)

Rất nhiều lần sau quyết định điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu tại thị trường nội địa, Tổ điều hành giá xăng dầu - Liên Bộ Tài chính - Công thương đều khẳng định tính ưu việt của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, rằng: “nếu không có Quỹ bình ổn, chắc chắn giá xăng dầu đã tăng cao hơn”.

Thế nhưng, đa số các quan điểm đều cho rằng, Quỹ bình ổn tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Hoạt động chủ yếu chỉ là trì hoãn thời điểm tăng giá, để rồi cuối cùng vẫn phải tăng do Quỹ bình ổn giá có hạn. Thậm chí giá xăng dầu đã phải tăng cao hơn do phải vừa trích vừa xả!

Đó là chưa kể, một Quỹ bình ổn được xây dựng, hình thành từ tiền của người sử dụng xăng dầu, nằm trong giá cơ sở của giá xăng dầu. Vì thế, nếu giá xăng dầu thế giới ít biến động, lượng tiền trong Quỹ sẽ không ngừng tăng lên theo từng lít xăng dầu được bán ra, khi chưa cần huy động vào mục đích bình ổn giá, nếu không được huy động cho nền kinh tế thì một lượng lớn tiền mặt nằm im một chỗ, không lưu thông sẽ gây thiệt hại lớn.

Việc yêu cầu “Quỹ bình ổn giá được hạch toán vào tài khoản riêng và chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá, nghiêm cấm sử dụng vào mục đích khác” trong điều kiện nguồn thu lớn cũng cần được xem xét lại. Bộ Tài chính vừa qua mới công khai cách trích nộp và sử dụng Quỹ này trong điều hành giá mà chưa công khai nguồn Quỹ bị âm ở nhiều doanh nghiệp, nhiều thời điểm… được tạm tính từ đâu, thu - chi như thế nào để bù đắp?

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu tiếp tục tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mà nguồn thu chỉ được trích từ giá bán lẻ xăng dầu, nghĩa là chỉ thu của người tiêu dùng là chưa phù hợp. Doanh nghiệp đầu mối có nên tham gia đóng góp hay không? Trách nhiệm của các cơ quan đầu mối nhập khẩu xăng dầu như thế nào đối với việc hình thành Quỹ bình ổn giá khi họ được toàn quyền “giữ” quỹ này để hạch toán, trích, xả?

Ngoài ra, Quỹ để bình ổn giá xăng dầu cũng cần được tính tới các nguồn thu khác, trong đó cần tính tới cả nguồn trích từ xuất khẩu dầu thô, kể cả nguồn tiền từ ngân sách, bởi nếu coi xăng dầu là mặt hàng thuộc diện bắt buộc phải bình ổn, thì Pháp lệnh Giá đã quy định rất rõ về nguồn thu của các Quỹ bình ổn này!

Hiện nay, mỗi lít xăng dầu được nhập khẩu về bán ra thị trường nội địa người dân phải “gánh” hơn 8.000 đồng do rất nhiều khoản thuế, phí; từ thuế giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, môi trường và chi phí kinh doanh xăng dầu. Việc thu thêm một khoản tiền vào giá bán xăng dầu để xây dựng Quỹ bình ổn làm công cụ quản lý, điều hành lại đặt tại doanh nghiệp đầu mối là khó chấp nhận. Những nghi ngờ việc hình thành và duy trì Quỹ tạo thêm cơ chế xin - cho là hoàn toàn có cơ sở!

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Nên hay không tồn tại Quỹ bình ổn giá với quá nhiều bất cập sau hơn 3 năm vận hành cũng cần được phân tích một cách thấu đáo. Chỉ khi những công cụ điều hành được minh bạch, thị trường xăng dầu mới có thể minh bạch. Nếu công tác điều hành thiếu quyết tâm, nhất quán và sự công khai nửa vời - thì rất khó để có được một thị trường xăng dầu đúng nghĩa, cho dù sẽ có một Nghị định mới hoàn toàn thay thế Nghị định 84 từ tháng 9/2013!./.