Tuần qua, vấn đề bảo vệ đất trồng lúa được đặt ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong kế hoạch sử dụng đất 5 - 10 năm tới, đất lúa phải được bảo vệ nghiêm ngặt và có quy hoạch chặt chẽ. Đó là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu có diễn biến phức tạp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang gia tăng mạnh mẽ.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất trồng lúa đã giảm 270.000 ha trong 10 năm qua, chủ yếu do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu nội ngành nông nghiệp. Một số địa phương chưa sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa.

nong-nghiep.jpg

Quá trình đô thị hoá đang làm thu hẹp diễn tích đất nông nghiệp

Mặc dù thời gian gần đây, các nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân đã lên tiếng mạnh mẽ về yêu cầu cấp thiết phải bảo vệ đất lúa trước nguy cơ bị hao hụt do biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, đô thị hóa. Nghị quyết Trung ương 7 về vấn đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” cũng đã nêu rõ: Các dự án, khu công nghiệp phải tập trung vào vùng trung du, miền núi, tránh các vùng chuyên lúa.

Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều nơi, nhà máy, khu đô thị mới, sân golf… vẫn mặc nhiên ngoạm vào những vùng đất trồng lúa phì nhiêu. Đáng tiếc hơn là đất lúa mất đi mỗi năm mấy chục ngàn ha, nhưng hơn nửa các dự án khu công nghiệp lại chưa sử dụng hết diện tích đất đã thu hồi.

Tình trạng vượt rào, xé quy hoạch diễn ra tràn lan. Tiềm ẩn sau tình trạng này là những bất ổn xã hội do cơ chế thu hồi đất, giá cả đền bù, đời sống hàng triệu nông dân bị xáo trộn, giảm thu nhập, không có việc làm.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong tổng số 90 sân golf đã nằm trong quy hoạch, diện tích đất sử dụng là gần 16.000 ha, thì có tới hơn 40% tổng diện tích sử dụng đất nông nghiệp. Như vậy, mỗi sân golf trung bình lấy đi hơn 700 ha đất nông nghiệp. Làm một phép tính đơn giản, cả nước có 5.000 thành viên chơi golf thì mỗi thành viên đã “ẵm” trọn hơn 1 ha đất. Theo chỉ tiêu thu nhập cơ bản từ nông nghiệp là 50 triệu đồng/ha/năm, tính ra số tiền cũng không phải nhỏ.

Rõ ràng đã đến lúc phải xiết chặt hơn việc bảo vệ đất lúa, bảo vệ lợi ích cho người trồng lúa và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã khẳng định: Bằng mọi giá phải giữ được diện tích đất nông nghiệp đạt con số 3,8 triệu ha trong cả nước, để đảm bảo mục tiêu cũng như vị thế xuất khẩu lương thực của Việt Nam; và quan trọng hơn, vì kế sách lâu dài là đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện biến đổi khí hậu, dân số ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, để đất lúa không bị tiếp tục co ngót lại, rõ ràng cần có những biện pháp mạnh tay hơn, gắn trách nhiệm đối với từng đơn vị, cá nhân. Cần xem lại việc phân quyền quá lớn cho các điịa phương trong việc thành lập các cụm công nghiệp, cũng như trong thầm quyền thu hồi đất nông nghiệp để sử dụng vào các mục đích khác. Nếu quản lý lỏng lẻo, sẽ không thể giữ được đất lúa trước “sức hút” của những mối lợi kinh tế cho các nhóm lợi ích thu được từ chuyển đổi đất lúa.

Thêm nữa, từng địa phương cần xác định rõ vị trí, diện tích đất lúa nào phải giữ, sau đó cắm mốc trên thực địa và tuyên truyền cho người dân biết để cùng giám sát. Mặt khác, cần có chính sách hỗ trợ cho người dân, kết hợp với việc tổ chức lại sản xuất để nông dân thấy được với nghề trồng lúa, thu nhập, đời sống của họ không kém hơn so với chuyển đất sang mục đích khác. Có như vậy mới khuyến khích được người dân và chính quyền gắn bó với nghề nông và giữ gìn không gian sống cho cây lúa./.