Một bảo vệ ở Nghệ An vừa bị đâm chết. Một bé gái 12 tuổi tử vong tại bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang, gia đình bé lại làm “loạn” bệnh viện lên... Những sự việc này khiến lo ngại về an ninh bệnh viện thêm dâng cao. Bởi đây không phải lần đầu tiên an ninh trong bệnh viện bị đe doạ, trước đó, ở một số bệnh viện đã xảy ra chuyện côn đồ hành hung bác sĩ, côn đồ đưa nhau vào viện để xử lý lẫn nhau…

bac_si_bi_danh_jqjt.jpg
Bạo hành y tế ngày càng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Chưa bao giờ vấn đề an ninh bệnh viện lại trở nên đáng lo ngại như lúc này. Nặng thì mất mạng, nhẹ thì bị mất cắp, cò mồi… những hành động này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động khám chữa bệnh, đe dọa sức khỏe, tinh thần và cả tính mạng của người bệnh. Đồng thời, nhiều cán bộ y tế tỏ rõ sự bất an khi làm nhiệm vụ, không thể toàn tâm toàn lực cho công tác chuyên môn, cứu chữa người bệnh. Lãnh đạo ngành y tế đã nhiều lần lên tiếng về việc cần tăng cường an ninh bệnh viện, tuy nhiên, tình hình dường như thực tế không mấy cải thiện.

Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng mất an ninh trật tự trong bệnh viện ngày càng nghiêm trọng? Đầu tiên có thể kể đến là tình trạng quá tải bệnh nhân. Vì quá tải nên bác sĩ không thể chăm sóc bệnh nhân một cách chu toàn. Vì quá tải nên cò mồi và các đối tượng lưu manh, trộm cắp lợi dụng cơ hội để hoành hành, kiếm chác… Trong khi đó, các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường bệnh viện lại chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều bệnh viện, nhiều nơi chưa có điều kiện lắp camera giám sát, chưa có đủ kinh phí, lực lượng để tổ chức các biện pháp ngăn chặn nên các đối tượng lợi dụng các điểm yếu, kẽ hở này để manh động, hành hung người khác.

Một nguyên nhân không nhỏ nữa gây bức xúc và khiến nhiều người dễ “nổi nóng”, “động chân động tay” xuất phát từ chính thái độ ứng xử chưa đúng mực của một số cán bộ y tế, của nhân viên bệnh viện đối với người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân gây bức xúc, dẫn tới mâu thuẫn. 

Trong khi bệnh viện quá tải, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, ai cũng muốn được ưu tiên khám trước, được chăm sóc chu đáo hơn, nhiều khi bác sĩ chưa kịp giải thích họ đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ngay lập tức. Hoặc nhiều người bệnh không hiểu tính chất bệnh của mình nên không có sự thông cảm với các bác sĩ và lại nảy sinh mâu thuẫn, nhẹ thì lời qua tiếng lại, nặng thì lao vào đánh nhau, gây mất trật tự bệnh viện.

Một nguyên do nữa là khi xảy ra các sự cố, tai biến về y khoa nhiều khi chưa được các y, bác sĩ xử lý tốt; khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng lại không được giải thích cặn kẽ, thấu đáo nên nhiều người nhà bệnh nhân bức xúc, dễ dẫn tới xô xát.

Thực tế, bệnh viện cứ kêu, bác sĩ cứ sợ hãi về mất an ninh trong bệnh viện nhưng nhiều nơi, nhiều bác sĩ, cán bộ y tế lại không được tập huấn nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm trong việc xử lý các tình huống ngoài chuyên môn, kỹ năng mềm… Trong khi đó, nhiều bệnh viện sử dụng những người mất sức lao động như một cách giải quyết chế độ chính sách để làm công việc bảo vệ. Những người này chỉ có thể trông nom người “ngay”, phụ nữ và trẻ em chân yếu tay mềm, còn với những kẻ ngổ ngáo, giang hồ… thì họ chỉ biết “lánh đi cho lành”. Hoặc nhiều nơi có tuyển dụng nhân viên bảo vệ nhưng công tác kiểm tra, huấn luyện lại không được thực hiện thường xuyên.

Một lời khuyên, lời cảnh báo được lãnh đạo Bộ Công an đưa ra đó là các bệnh viện cần lắp đặt camera an ninh tại nhiều điểm từ khoa, phòng, đường đi lối lại, giúp xử lý nhanh các hành vi gây rối, mất an ninh, trật tự; công khai quy trình khám chữa bệnh điều trị; dán thông tin cảnh báo cho bệnh nhân, người nhà, dán ảnh cò mồi tại các cổng BV; lựa chọn đội ngũ bảo vệ có tính chuyên nghiệp và tập huấn thường xuyên về xử lý các tình huống xảy ra...

Tăng cường an ninh bệnh viện, chỉ lo lắng không thôi chưa đủ mà mỗi nhân viên y tế, bác sĩ, y tá và từng người bệnh phải tăng cường tính tự giác, kỷ luật. Đặc biệt là đội ngũ những người làm công tác bảo vệ phải được chuẩn hoá, thường xuyên được tập luyện, trau đồi các kỹ năng./.