Ngày 21/5, đúng vào ngày diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ sập mỏ đá Lèn Cờ làm 18 người chết, 7 người bị thương, tại Hải Phòng lại liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn do khai thác đá làm 9 người tử vong, 4 người bị thương. Sự trùng lặp ngẫu nhiên này không khỏi khiến cho nhiều người lo lắng về tình trạng mất an toàn vệ sinh lao động tại các mỏ khai thác đá hiện nay.

Vào thời điểm này năm ngoái, sau vụ sập mỏ đá thảm khốc ở mỏ Lèn Cờ, Nghệ An làm 18 người chết, 7 người bị thương, công tác rà soát kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, an toàn lao động tại các mỏ đá làm vật liệu xây dựng được triển khai khẩn trương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thế nhưng, mới đầu năm nay tại tỉnh Hà Tĩnh xảy ra vụ đá rơi làm tử vong 1 công nhân ở mỏ đá công ty Xây dựng Mai Linh, xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn. Liên tiếp sau đó là các vụ tai nạn mỏ đá gây chết người ở nhiều địa phương khác nhau.

566220.jpg

Dưới chân núi Trượt, Hải Phòng nơi xảy ra nổ mìn (Ảnh: TTO)

Ngày 20/3, tại Yên Bái xảy ra vụ sập mỏ đá vùi lấp 2 công nhân của Xí nghiệp Khai thác đá thuộc Công ty cổ phần Xi măng, khoáng sản Yên Bái, đến nay vẫn chưa tìm kiếm được thi thể. Ngày 22/3, tại Nghệ An, 1 bảo vệ của Công ty khai thác đá Đồng Giao, huyện Quỳnh Lưu, bị tử vong do đá rơi trúng đầu.

Ngày 8/4, tại Quảng Nam 1 công nhân bị trượt chân tử vong khi đang khai thác đá tại Mỏ đá Duy Trung, huyện Duy Xuyên. Đỉnh điểm là chỉ trong 1 ngày 21/5, 2 vụ tai nạn ở khu khai thác mỏ đá thuộc khu vực núi Trại Sơn, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đã cướp đi sinh mạng của 9 người, làm 4 người bị thương.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra tới 6 vụ tai nạn ở khu khai thác đá làm 13 người chết, 4 người bị thương. Đáng lo ngại là các vụ tai nạn đều xảy ra ở những công ty được cấp phép khai thác - những đơn vị mà theo quy định phải tuân thủ đúng quy trình khai thác, phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung về an toàn lao động.

Theo quy trình, một mỏ khai thác chỉ được cấp phép, đi vào hoạt động khi đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước, trong đó đặc biệt là những quy định nghiêm ngặt về an toàn lao động. Vậy nhưng do chạy theo lợi nhuận, việc thực hiện quy trình cứ bị các chủ mỏ tự ý giản lược dần, bất chấp tính mạng người lao động.

Năm 2011, kết quả điều tra các vụ tai nạn mỏ đá và kết quả kiểm tra ở một loạt các địa phương cho thấy, vi phạm phổ biến tại các mỏ khai thác đá được cấp phép là không thực hiện các biện pháp trang bị bảo hộ an toàn, vi phạm điều kiện kỹ thuật an toàn, không tuân thủ đúng thiết kế được phê duyệt.

Để rút ngắn thời gian khai thác, đạt khối lượng khai thác lớn, một số công ty không tuân thủ theo quy trình khai thác đá từ trên xuống, mà đặt mìn phá chân tầng tạo hàm ếch là nguyên nhân gây sập mỏ đá. Trường hợp này đã xảy ra tại mỏ đá Lèn Cờ tỉnh Nghệ An năm ngoái, gây ra nhiều cái chết thương tâm.

Hay nhiều trường hợp khi xảy ra tai nạn công nhân không được trang bị bảo hộ lao động tối thiểu, tiêu biểu như trường hợp một công nhân ở mỏ đá Duy Trung, Quảng Nam bị trượt ngã từ sườn núi xuống trong khi không đeo bảo hộ lao động ngày 8/4 vừa qua là một ví dụ.

Hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc ở mỏ khai thác đá vừa qua khiến dư luận lo ngại về công tác đảm bảo an toàn lao động không thể chỉ trông chờ vào chủ doanh nghiệp, mà điều quan trọng hơn là vai trò kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương và ngành chức năng. Nếu quản lý tốt, doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm các quy trình, thì chắc chắn không thể xảy ra tình trạng chết người.

Thực tế đã chứng minh, nơi nào chính quyền địa phương, ngành chức năng quản lý sát sao, thì ở đó, thời gian đó số vụ tai nạn giảm hẳn. Số vụ tai nạn mỏ đá liên tiếp xảy ra những ngày qua cho thấy tình trạng chủ quan, lơ là của con người trong việc thực hiện quy định an toàn lao động ở khu vực mỏ đá đang tăng lên.

Hàng chục mạng người từ đầu năm tới nay và bài học đau xót từ vụ sập mỏ đá Lèn Cờ ở Nghệ An năm ngoái, đang đòi hỏi các địa phương có mỏ khai thác tài nguyên, khoáng sản cần phải khẩn trương nghiêm túc kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện chấn chỉnh ngay những vi phạm của các công ty khai thác để tránh xảy ra những hậu quả đau lòng./.