Cơ quan công an vừa triệt phá một đường dây làm bằng giả với số lượng rất lớn ở Hà Nội. Nhiều người, nhất là giới trí thức giật mình về chuyện tày đình như thế, nhưng không ít người cũng tặc lưỡi bởi chuyện này chẳng lạ, năm nào chẳng phát hiện những ổ nhóm chuyên làm bằng giả. Thế nhưng có điều là dẫu ở suy nghĩ nào đi chăng nữa cũng thấy đau lòng vì cảm thấy học vấn bây giờ rẻ quá. Một tấm bằng cử nhân đại học chỉ có giá vài ba triệu đồng. Nhiều câu hỏi đặt ra như: tại sao bằng giả vẫn có đất sống? Phải chăng bằng giả tràn lan, thậm chí có hẳn một thị trường bằng giả chính là hệ lụy của một xã hội đã từ lâu quá coi trọng bằng cấp?

Có “cầu” ắt có “cung”. Trong một xã hội mà giờ đây khi tuyển dụng đâu đâu cũng yêu cầu bằng cấp đủ loại, chuyên môn, tiếng Anh, vi tính… Ai đó chỉ có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông thôi thì e rằng khó mà có thể xin được việc. Và thực tế này đã khiến không ít người phải thốt lên, trong thời buổi coi bằng cấp là giấy thông hành cho tìm việc, lên lương ở một vị trí tốt… thì bằng giả sẽ còn đất sống. Đó là chưa nói đến câu chuyện, bằng cấp là yếu tố để nhiều cơ quan Nhà nước nâng lên, đặt xuống trong việc xem xét, bổ nhiệm cán bộ. Thêm bằng từ lâu đã là yếu tố cộng điểm và vô hình chung đã làm nghiêng cán cân lợi thế cho những người có bằng cấp. Chả thế mà việc tìm cách mua bằng giả đã nằm trong toan tính đổi chác và thăng tiến nhanh hơn của không ít người.

bang-gia_yeta.jpg

Cơ quan công an thu giữ nhiều phôi bằng và hàng trăm con dấu giả 

Câu chuyện bằng giả cũng đã khiến những người đang đi học, đang lao tâm khổ tứ dùi mài kinh sử, thậm chí hy sinh gian khổ để có những tấm bằng cử nhân, tiến sĩ cảm thấy phẫn nộ. Sự phẫn nộ đó là sẽ lan ra cả cộng đồng nếu như những tấm bằng giả có chỗ được chấp nhận và lên ngôi. Người ta cũng xót xa vì con đường tri thức của cử nhân – thành quả của 4 năm học đại học hay 8 năm học tiến sĩ được ngã giá rẻ mạt chỉ từ 3 đến 8 triệu đồng.

Vẫn biết bằng cấp sinh ra là thước đo đánh giá năng lực học vấn. Thế nhưng, nạn bằng giả khiến hiện nay thước đo đó bị biến dạng và không còn chuẩn xác. Những người dùng bằng giả đó để thăng quan tiến chức, nhanh chóng có địa vị, rồi tham gia vào guồng máy quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội thì không biết hệ lụy sẽ ghê gớm như thế nào. Điều này có thể dẫn đến xu hướng làm cho xã hội mất lòng tin vào bằng cấp, đe dọa sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Xét cho đến cùng, tâm lý trọng bằng cấp bản thân nó không có gì là không tốt nếu được song hành với một cơ chế đánh giá bằng cấp đúng mức, phản ánh được năng lực mỗi người thông qua bằng cấp. Nhưng đáng tiếc là chúng ta thiếu một cơ chế đánh giá như thế. Trong tình thế đó, nếu chúng ta đổi mới tuyển dụng, đề bạt cán bộ không chỉ dựa vào bằng cấp thì xét về mặt nào đó, cách làm này sẽ giúp ngành giáo dục tăng cường khả năng chống được bằng giả.

Nói đến đây, chúng tôi lại nhớ đến chuyện “nóng hổi” vừa diễn ra ở Bộ Giao thông Vận tải. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã mạnh dạn tổ chức thi tuyển chức danh Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Cuộc thi không đặt “nặng” bằng cấp, mà cốt yếu là được đánh giá năng lực của cán bộ thông qua phỏng vấn trực tiếp, yêu cầu trình đề án, kế hoạch công việc, trình bày ý tưởng để giải những bài toán đang đặt ra cho vị trí Tổng Cục trưởng Cục Đường bộ… Rõ ràng, người thật, năng lực thật, xử lý việc thật… thì bằng giả đã không còn đất sống./.