Để dọn đường cho hành vi xâm lấn Biển Đông, Trung Quốc từng tự trưng ra cái bản đồ gồm 9 khúc, tức 9 nét gạch đậm đứt gãy có hình dạng na ná cái lưỡi bò khổng lồ. Thời gian gần đây, cái bản đồ chỉ còn lại 8 khúc, sau khi Trung Quốc và Việt Nam ký kết phân định vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Thế rồi, bỗng dưng, trong những ngày cuối tháng 6/2014, Trung Quốc lại tung ra cái bản đồ chiều dọc, không còn là 9 khúc hay 8 khúc, mà là 10 đoạn. 9 khúc, 8 khúc hay 10 đoạn, về bản chất, không có gì khác, đều thể hiện ý đồ bao chiếm, xâm lấn gần trọn Biển Đông. Thứ bản đồ này thể hiện sự ngang ngược, phi lý và thách thức công lý, lẽ phải.
Biển Đông từ ngàn đời nay đã là không gian sinh tồn của người Việt Nam và một số Quốc gia Đông Nam Á khác; là con đường hàng hải quốc tế quan trọng nhất nhì của thế giới. Xét cả về mặt lịch sử, thực tế khai thác chiếm hữu cũng như soi chiếu từ luật pháp Quốc tế, Biển Đông, với hơn 1 triệu cây số vuông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, là một phần lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Bản đồ khổ dọc thể hiện 10 đoạn "nuốt trọn" Biển Đông do Trung Quốc phát hành (Ảnh: Tân Hoa xã)
Biển Đông không phải là vùng biển công, vùng biển vô chủ. Bao đời qua, Biển Đông vốn dĩ yên bình; các quốc gia xác lập chủ quyền trong khuôn khổ pháp lý, thực tế chiếm hữu hòa bình và sự đồng thuận, chung sống, giao lưu hòa hiếu. Việc Trung Quốc tự vẽ ra cái bản đồ đầy tham vọng, từ đấy ngang ngược xúc tiến các hoạt động xâm lấn trên thực địa, dùng sức mạnh nước lớn bắt nạt nước bé, đã khiến Biển Đông nóng lên từng ngày. Trung Quốc không phải là quốc gia “trỗi dậy hòa bình”, như họ từng tuyên bố, mà trong thực tế, họ đã và đang thực thi chính sách bành trướng, dùng vũ lực để mở rộng biên giới, lãnh thổ, thâu tóm nguồn tài nguyên và lợi ích của các quốc gia khác vào túi tham của họ.
Từ bản đồ 9 khúc, 8 khúc hay bây giờ là 10 đoạn, Trung Quốc tiến tới thực thi chính sách “ngoại giao pháo hạm” theo kiểu Trung Quốc. Đó là “Chính sách ngoại giao giàn khoan”, “Chiến pháp giàn khoan”. Dưới vỏ bọc “hoạt động kinh tế”, “hoạt động dân sự”, Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí khổng lồ hạ đặt trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đi theo giàn khoan là hàng trăm tàu vũ trang, tàu chiến, máy bay, tàu cá trá hình, sẵn sàng ngăn cản, gây hấn với lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam.
Trong hai tháng qua, kể từ khi giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc liên tục leo những bước thang mới, cả về quy mô lực lượng, mức độ căng thẳng và sự hung hãn, ngang ngược, bất chấp công lý, lẽ phải. Không những không rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc còn tiếp tục đưa thêm giàn khoan vào Biển Đông. Cuộc tranh chấp, xâm lấn được phủ dưới vỏ bọc dân sự, thực chất là quân sự hóa. Với các bước đi có tính toán của chiến lược xâm lược mềm, hòng đặt quốc gia có chủ quyền và cả thế giới vào sự đã rồi.
Từ bản đồ 9 khúc, 10 đoạn đến các bước đi ngang ngược trên Biển Đông, Trung Quốc đang chà đạp lên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên ký kết. Trung Quốc cũng đang rắp tâm vô hiệu hóa những cam kết của mình với các quốc gia Đông Nam Á về quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC). Hành động của Trung Quốc không chỉ xúc phạm lòng tự trọng, xâm hại độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, mà còn đe dọa chủ quyền của nhiều Quốc gia Đông Nam Á; đe dọa an ninh hàng hải quốc tế.
Thế giới ngày nay văn minh hiện đại, trắng đen vốn minh bạch. Cái bản đồ 9 đoạn, 8 đoạn hay 10 khúc kia đã bị thế giới lật tẩy vì phi lý, không hề có giá trị pháp lý. Và dĩ nhiên những hành động của Trung Quốc đang diễn ra trên Biển Đông là hoàn toàn phi pháp.
Toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết, kiên trì các biện pháp hòa bình, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế và các quốc gia trong khu vực, đồng thời tiếp tục sử dụng hiệu quả các biện pháp mà luật pháp quốc tế cho phép. Nhất định lẽ phải, chính nghĩa sẽ thắng, cái bản đồ phi lý kia nhất định sẽ bị vô hiệu hóa./.