Sinh viên bán dâm đến lần thứ 4 thì bị đuổi học – là một trong những khung xử lý được Bộ GD-ĐT đặt ra kèm theo dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp. Sau khi vấp phải phản ứng của dư luận, Bộ GD-ĐT đã gỡ bỏ bản dự thảo này. Vì sao lại để “lọt” một văn bản như vậy đưa ra lấy ý kiến rộng rãi? Lãnh đạo Bộ cho biết: “Ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất...”.

sinh_vien_ban_dam_lrwu.jpg
Ảnh minh họa

Đây không phải lần đầu tiên các qui định của cơ quan Nhà nước khi đang trong giai đoạn lấy ý kiến hoặc đã được ban hành vấp phải sự phản ứng của dư luận vì nếu áp dụng vào thực tế sẽ khó như “đếm sao trên trời”.

Trước đó, qui định “ngực lép không được lái xe” của Bộ Y tế; ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ (Bộ TN-MT), thu phí phương tiện giao thông không sang tên đổi chủ; phạt tiền người đi xe máy đội mũ bảo hiểm rởm; đi xe ngày chẵn – lẻ vào nội đô TP HCM; Bộ VH-TT và DL qui định cấm lắp ô kính trên nắp quan tài; cộng điểm ưu tiên thi đại học cho mẹ Việt Nam anh hùng; rồi văn bản yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh không được viết vào sách giáo khoa…  đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của dư luận vì đó là những “nhiệm vụ bất khả thi”, không phù hợp với điều kiện thực tế.

Có lẽ lâu nay, người dân cũng chưa quan tâm nhiều đến việc đóng góp ý kiến trong việc xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật. Đơn cử như sự việc “đuổi học nếu sinh viên bán dâm đến lần thứ 4” đã có từ nhiều năm trước đó, nay chỉ “bổn cũ soạn lại” lập tức bị dư luận mổ xẻ phê phán. Đây là một trong số nhiều văn bản, dù đã có thời gian dài được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi nhưng không ai có ý kiến gì khi được ban hành, có hiệu lực thực thi người dân mới lên tiếng. Qua đây cũng đặt ra yêu cầu, các cơ quan quản lý cần phải nhìn nhận lại cách thức lấy ý kiến người dân thời gian qua đã đạt hiệu quả hay chưa, có gì cần phải thay đổi hay chỉ cần “quẳng” lên mạng, lên cổng thông tin của đơn vị mình là xong?

Người dân thờ ơ với việc xây dựng, góp ý cho văn bản của các cơ quan quản lý đã đành, lối ứng xử này lại tiếp tục được các công chức, chuyên viên trong cơ quan Nhà nước tiếp tục phát huy. Chính vì thế mới có chuyện những văn bản quản lý xã hội có những qui định như dành cho người “ngoài hành tinh”.

Để ra được một bản dự thảo, những người soạn thảo nó đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, thu thập ý kiến các chuyên gia, tổ chức hội thảo… Vậy tại sao lại vẫn có những văn bản khiến dư luận ồn ào bức xúc như vậy? Liệu có phải những người thực thi tắc trách, cẩu thả, không làm tròn trách nhiệm của mình hay do trình độ, nhận thức của họ không đáp ứng được yêu cầu công việc?

Công cuộc tinh giản biên chế đang thực hiện rất khó khăn vì không biết giảm ai, bớt ai. Mong rằng, đây sẽ được xem là một “điểm trừ” để các cơ quan chủ quản có thể dựa vào tinh giản những người tắc trách, yếu kém trong hệ thống cơ quan hưởng lương ngân sách Nhà nước./.