Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng tám 1945 là xây dựng nên Nhà nước dân chủ của dân, do dân và vì dân. Là người chèo lái con thuyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt những viên gạch đầu tiên cho đường lối xây dựng nhà nước ấy. Tuy nhiên, di sản tư tưởng quý báu mà Người để lại cho công tác xây dựng chính quyền là vấn đề sử dụng con người. Bởi sức mạnh của Nhà nước không ở luật pháp, mà cái chính, là đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức, ở tính vì dân của Nhà nước.

Bài học quý giá đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho công tác xây dựng Nhà nước là khả năng thu phục nhân tâm. Bằng trí tuệ, đức và uy tín của mình, Người đã quy tụ được đội ngũ những cộng sự tài năng và nhiệt tình cống hiến cho dân cho nước. Từ những trí thực phong kiến như Phạm Khắc Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn… đến đội ngũ trí thức trẻ như Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa... 

Nhà nước mà họ dựng nên “không phải là thứ Nhà nước đè đầu cưỡi cổ dân như chế độ thực dân phong kiến, mà Chính phủ từ trung ương đến địa phương, là công bộc của dân, phục vụ nhân dân”.

nguoi-tai.jpg
Biết sử dụng người tài là kế sách lớn đối với một dân tộc (Ảnh minh họa)

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cán bộ cách mạng phải vừa hồng vừa chuyên, lấy đạo đức làm nền, làm gốc cho pháp luật đi vào cuộc sống. Bởi bất cứ chính thể nào, quốc gia nào thì pháp luật cũng không bao giờ thỏa mãn tất cả yêu cầu của cuộc sống. Luật chưa đủ nhưng nếu con người giữ được thiện căn, biết căm thù điều ác, cự tuyệt cái xấu thì sẽ không nghĩ sai, làm sai. Luật đầy đủ rồi nhưng người vận dụng không có lương tâm thì sẽ bất chấp mà xuyên tạc, bẻ cong pháp luật, làm điều xằng bậy.

Án xử oan sai đâu chỉ vì chuyên môn non kém mà còn ở cái tâm của quan tòa. Tham nhũng tràn lan và ngày càng nghiêm trọng đâu phải vì thiếu luật mà vì những món lợi lộc kếch xù đã che mờ phần sáng trong lương tâm một số cán bộ, đặc biệt là những người quyền cao chức trọng. Có phải vì thiếu cơ chế mà các vụ tham nhũng lớn lại không được chính người của cơ quan ấy phát hiện? Một khi trách nhiệm công dân chưa được tự giác thực hiện, khi cán bộ công chức trong các cơ quan công quyền còn vô pháp vô thiên thì luật pháp không thể đi vào cuộc sống.

Bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương thực sự là công bộc của dân, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ phải “trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư…”. Ngẫm lại, so với các bậc tiền nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi từng huấn thị tướng sĩ biết giữ lòng ngay thẳng, ý nghĩ trong sáng, làm tròn phận sự với gia đình, đất nước, với đồng bào mình, nào có khác gì.

Lịch sử đã chứng minh, để nhà nước pháp quyền vững mạnh, thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân, không chỉ có luật pháp – tức “pháp trị”, mà cái chính là đạo đức của đội ngũ cán bộ nhà nước – tức “đức trị”. Bài học dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải tiếp tục quán triệt và nhân rộng, để tính vì dân của nhà nước không phải điều gì xa lạ, mà phải là những việc làm cụ thể của đội ngũ cán bộ công chức: “Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh”./.