Theo thống kê của Cục Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện.

Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh, chiếm 60%, tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương chiếm 20%. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ 70%, điều dưỡng 15%. Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm 60%), còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh.

bac_si_bi_hanh_hung_gpbx.jpg
Một vụ hành hung bác sĩ.

Mới đây nhất, một bác sĩ ở bệnh viện Thạch Thất (Hà Nội) trong lúc đang giải thích cho người nhà bệnh nhân thì bị đánh chấn thương sọ não. Vụ việc này lại tiếp tục gióng lên sự lo ngại về an ninh trong bệnh viện và bất bình với những hành xử côn đồ ở những nơi cứu người.

Người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, gây rối trong bệnh viện là điều không thể chấp nhận. Nhưng vì đâu mà họ hành xử như vậy, tìm nguyên nhân phải từ hai phía.

Đầu tiên phải nhắc đến là niềm tin của người dân, người bệnh vào các y, bác sĩ đang bị xói mòn. Việc các bác sĩ “giữ” bệnh nhân lại để điều trị nhưng lại vượt khả năng chuyên môn của mình dẫn đến các hậu quả đáng tiếc đã từng xảy ra. Trường hợp của nữ sinh ở Đắk Lắk bị cưa mất một chân là một ví dụ điển hình. Nếu em được chuyển viện kịp thời, nếu em được các bác sĩ quan tâm chữa trị, và còn rất nhiều thứ “nếu” nữa thì em đã không phải chịu cảnh tàn tật như hiện nay.

Khi xảy ra những tai biến y khoa, chết người… thì các kết luận của Hội đồng y khoa hầu như coi tai nạn đó là bất khả kháng trong y học và người nhà bệnh nhân phải chấp nhận. Điều này khiến cho người nhà và bệnh nhân khi vào khám bệnh ở tuyến cơ sở đều cảm thấy bất an, chỉ muốn mau chóng được chuyển viện.

Thêm vào đó, là tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong bệnh viện diễn ra khá phổ biến. Nên nếu có một tình huống nào đó xảy ra giữa bác sĩ và bệnh nhân thì đều được mọi người suy đoán là “có lẽ chưa có phong bì”.

Nhiều người cảm nhận rằng khi đến các bệnh viện, họ như là người đang cầu ơn từ các bác sĩ chứ không phải họ là người chi trả tiền để nhận được dịch vụ y tế tương xứng. Từ những bất đồng nhỏ, lâu rồi tích tụ thành những mâu thuẫn khiến cho mối quan hệ giữa những người làm trong ngành y với bệnh nhân trở nên “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, dễ dẫn đến “động chân, động tay” mỗi khi có những bất đồng. Chỉ cần một sai sót nhỏ, một cử chỉ khiến người nhà bệnh nhân không thấy hài lòng cũng có thể dẫn tới xô xát, hành hung y bác sĩ.

Người Việt ta có câu “Tại anh tại ả tại cả đôi bên”. Để xảy ra những hành động côn đồ, hung hãn trong bệnh viện, ngoài sự thiếu kiềm chế của người nhà bệnh nhân thì cũng có một phần nguyên nhân không nhỏ từ phía bác sĩ. Để hạn chế tình trạng này, cả hai phía đều phải xem xét lại mình và có những tiết chế, hành động phù hợp./.