Thủ tướng gửi thông điệp về đổi mới kinh tế

Ngày 3/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi thông điệp về đổi mới kinh tế. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tái cơ cấu nền kinh tế đặt ra yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, áp dụng những thành tựu của khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và phương pháp quản trị hiện đại.

song-da.jpg
Tái cơ cấu nền kinh tế đặt ra yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, áp dụng những thành tựu của khoa học công nghệ...

Thủ tướng cho rằng, khi nói các đột phá chiến lược là tiền đề của tái cơ  cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hoàn toàn không có nghĩa là phải đợi thực hiện xong các đột phá mới thực hiện tiến trình này. Các tiền đề đã hình thành và sẽ được hoàn thiện trong suốt quá trình phát triển. Tái cơ cấu là công việc diễn ra tương đối liên tục dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và sự dịch chuyển lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia cũng như trong từng doanh nghiệp. Chính trên quan điểm đó và từ tầm nhìn của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đã đặt yêu cầu thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngay trong thời kỳ kế hoạch 2011 - 2015.

Mục tiêu của tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu các ngành sản xuất, dịch vụ theo yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế để có thể tham gia vào những công đoạn có giá trị gia tăng cao trong mạng sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Xả súng kinh hoàng, 6 chiến sĩ trọng thương

Trong thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ chống người thi hành công vụ khiến không ít chiến sĩ công an, lực lượng làm nhiệm vụ bị trọng thương, thậm chí hy sinh.

Một cán bộ công an bị trọng thương đang được chuyển viện (ảnh: NLĐ)

Vụ đối tượng vi phạm xả súng làm binh nhất cảnh sát cơ động Đỗ Đăng Long, 22 tuổi hy sinh trong khi tăng tốc đuổi theo chiếc xe máy chở hai đối tượng khả nghi tại khu vực chân cầu Xi Măng, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) còn chưa làm dư luận hết bức xúc, thì chỉ sau đó 3 ngày (5/1), trong lúc thuyết phục ông Đào Văn Vươn (52 tuổi ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) bỏ vũ khí, chấp hành việc cưỡng chế, nhưng đối tượng này cùng người thân vẫn cố thủ, cài bom, nổ súng hoa cải làm 4 cảnh sát và 2 cán bộ huyện đội bị trọng thương.

Đây chỉ là 2 trong số gần 400 vụ chống người thi hành công vụ trong 6 tháng qua cho thấy các đối tượng chống người thi hành công vụ ngày càng có những hành động liều lĩnh, manh động, coi thường luật pháp. Những hành động này cần phải được trừng trị đích đáng.

Tiếp tục tìm kiếm thủy thủ tàu Vinalines Queen

Sự trở về của thủy thủ sống sót duy nhất vụ chìm tàu Vinalines Queenđã phần nào giải mã được bí ẩn về nguyên nhân con tàu hiện đại này bị chìm giữa đại dương.

Công ty Vận tải biển Vinalines và các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm tung tích con tàu, kể cả việc thuê các phương tiện tìm kiếm nước ngoài, treo giải thưởng để tìm tung tích nạn nhân.... nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Trong một cuộc họp mới đây, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GT-VT cũng đã có chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan tìm kiếm cứu nạn Hàng hải quốc tế khẩn trương tìm kiếm 22 thuyền viên tàu Vinalines Queen. Bộ trưởng cũng yêu cầu các tổ chức Công đoàn trong ngành đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình các thuyền viên gặp nạn của tàu Vinalines Queen.

Thuyền viên Đậu Ngọc Hùng (giữa) tại sân bay Nội Bài chiều 4/1.

Thông tin mới nhất trong hoạt động tìm kiếm các thủy thủ mất tích là việc Công ty Vận tải biển Vinalines đang cùng với Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến vụ việc tàu Vinalines Queen để Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam có thêm cơ sở trao đổi với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản để xem xét việc lên kế hoạch tiếp tục tìm kiếm các thuyền viên còn mất tích.

Trước đó, vào tối 5/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã gửi công hàm chính thức tới Bộ Ngoại giao Philippines, Hải quân Philippines và Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đề nghị giúp đỡ thông tin đến ngư dân và cư dân quanh khu vực đảo Luzon về chế độ thưởng cho mỗi thủy thủ tàu Vinalines Queen được tìm thấy.

Dự kiến, vào lúc 14h ngày 9/1/2012, tại chùa Thắng Phúc- huyện Tiên Lãng -TP Hải Phòng, Công ty Vận tải biển Vinalines sẽ tổ chức Lễ cầu siêu cho 22 thuyền viên chưa tìm thấy sau vụ chìm tàu Vinalines Queen.  

Các vụ cháy nổ xe máy, ô tô vẫn tiếp tục xảy ra

Trong khi chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây cháy, nổ xe máy, thì trong thời gian vừa qua, mật độ các vụ cháy nổ xe máy, ô tô lại càng đậm đặc. Có ngày xảy ra tới 3 vụ cháy nổ ô tô, xe máy. Nguy hiểm nhất là các vụ cháy ô tô chở khách, đe dọa tính mạng của hàng chục hành khách ngồi trên xe và nhiều người tham gia giao thông trên đường.

Vào lúc 18h20 tối 6/1 tại ngã 4 Amata (QL.1A, P.Tam Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), vụ hoả hoạn ô tô khách loại 16 chỗ của hãng Ford xảy ra. Vào thời điểm trên chiếc ôtô khách mang biển số 49X – 8694 do tài xế Trần Văn Tuấn chở hơn chục hành khách đi từ TP Đà Lạt về TP HCM trên tuyến quốc lộ 1A. Tài xế vội cho xe dừng lại cùng người dân cạnh đó phá cửa để hành khách thoát ra ngoài, đồng thời dùng dùng CO2 xịt dập lửa. Tuy nhiên ngọn lửa bốc cháy quá nhanh bao trùm toàn bộ chiếc xe.  

Cũng trong ngày 6/1, đang chạy trên quốc lộ 5, phường Hùng Vương (Hồng Bàng, TP Hải Phòng), chủ xe Trần Thị Diễm Hương (32 tuổi) đang trên đường đến trường THCS An Hồng (An Dương) dạy học thì ngọn lửa bốc lên từ phía sau và lan rộng ra toàn bộ xe. Khi nhìn qua gương chiếu hậu phát hiện sự việc, cô rẽ vào lề đường để dừng lại thì tiếng nổ lớn phát ra từ cuối xe. Cô bật cửa nhoài ra ngoài rồi ngất lịm.

Trong cuộc gặp mặt báo chí cuối năm 2011, người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay đang có những khoảng trống trong pháp luật cho nên các vụ cháy nổ xe máy, ô tô của người dân trong thời gian qua diễn ra liên tục nhưng không có đơn vị nào chịu trách nhiệm. Vì thế, từ 2012 đã cháy, nổ xe máy là phải có người chịu trách nhiệm, Bộ Giao thông vận tải, cụ thể là Cục Đăng kiểm sẽ phải chịu trách nhiệm về các vụ việc như thế này.

Tuy nhiên, khi chưa có kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng về nguyên nhân gây cháy xe máy, ô tô, đồng nghĩa với nguy cơ cháy nổ xe máy, ô tô vẫn còn. Và chúng ta sẽ còn phải chứng kiến những hậu quả nặng nề mà nó gây ra cho con người, thậm chí là những cái chết thương tâm.

Mỹ áp lệnh trừng phạt Iran

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa ký lệnh trừng phạt đối với cơ quan tài chính có giao dịch với ngân hàng nhà nước Iran, nhằm gây sức ép lên chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này.

Dự thảo về lệnh trừng phạt đã được quốc hội Mỹ thông qua tuần trước, đánh thẳng vào doanh thu dầu mỏ của Tehran. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê duyệt dự thảo này thành luật hôm 31/12 tại Hawaii.

Tàu ngầm Iran trong cuộc tập trận tại eo biển Hormuz (Ảnh: Tân Hoa xã)

Động thái mới nhất của Mỹ có thể gây ra biến động trên thị trường dầu mỏ, đặc biệt là trong tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn.

Ngày 2/1, Iran kết thúc cuộc tập trận10 ngày trên eo biển Hormuz với việc phóng thử tên lửa tầm xa cùng một loạt tên lửa khác do nước này tự sản xuất. Đây là động thái đầu tiên nhằm đáp trả việc Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Iran.

Giới phân tích cho rằng, các cuộc tập trận của Iran, một trong những nguyên nhân đang khiến giá dầu tăng cao, là nhằm gửi đi thông điệp rằng, phương Tây nên cân nhắc kỹ lưỡng đến cái giá phải trả, đặc biệt là về kinh tế, khi áp đặt trừng phạt cứng rắn hơn với Iran.

“Cuộc chiến” bản quyền truyền hình chưa có hồi kết

Trong tuần qua, liên tục lại là các công văn qua lại giữa AVG – VFFvà VPF. Ngày 04/01, VPF gửi công văn tới 3 Bộ đề nghị xem xét tính hợp pháp của hợp đồng ký kết giữa VFF và AVG. VPF mong cơ quan chức năng xem xét tính hợp pháp của hợp đồng số 08/HDD2010/VFF-AVG ngày 08/12/2010 với nội dung VFF cho phép AVG độc quyền khai thác bản quyền truyền hình tất cả các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Cũng trong ngày 4/1, VFF có công văn số 06 gửi VPF, khẳng định VFF là chủ sở hữu duy nhất giải bóng đá vô địch quốc gia và các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, căn cứ theo các quy định của pháp luật, dựa trên những quy định cụ thể của Luật Thể dục Thể thao và Điều lệ của VFF.

Ông Vũ Quang Huy khẳng định VTC đã có công văn đề nghị VPF cho phép tổ chức sản xuất trận đấu giữa V.NB – CS.ĐT và đã được chấp thuận cho tường thuật.

Tiếp đó, ngày 6/1, VFF đã có công văn số 14/CV- Liên Đoàn bóng đá Việt Nam gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; VPF và các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp để khẳng định bản quyền truyền hình thuộc về VFF và AVG.

Công văn yêu cầu tất cả các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp và ban tổ chức trận đấu thực hiện Bản quyền truyền hình mà VFF đã ký kết với AVG. Trong quá trình tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp 2012, tất cả các đài truyền hình chỉ được phép vào sân để truyền hình trực tiếp các trận đấu khi có xác nhận cho phép của AVG.

Trong khi đó, ngày 7/1, các đài vẫn cùng tham gia sản xuất và phát sóng Super League. 

Rõ ràng hiện tại vẫn chưa thể tìm ra “lối thoát” cho “cuộc chiến” bản quyền truyền hình phức tạp này./.