Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao chưa có điểm nhấn, chưa mang tính đại diện, chưa liên kết giữa các vùng, miền để tạo được sức lan tỏa; chưa khuyến khích phát triển các thiết chế văn hóa làm nổi bật bản sắc của địa phương vùng miền…

Do đó, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao đồng bộ, hiện đại và bản sắc, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định và nhu cầu thực tiễn; hình thành cơ chế đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, tạo điều kiện phát triển những lĩnh vực có lợi thế, trở thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao. Quy hoạch nhấn mạnh: hoàn thiện và mở rộng mạng lưới bảo tàng, hình thành mạng lưới cơ sở điện ảnh hiện đại và đồng bộ, hình thành các Trung tâm nghệ thuật biểu diễn tại các đô thị lớn, địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch quốc gia. Ưu tiên xây dựng Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia trọng điểm; hoàn thiện Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình tầm cỡ châu Á….

Tại cuộc họp, các ủy viên phản biện đánh giá Quy hoạch chưa có điểm nhấn, chưa phân tích rõ nhu cầu thực tiễn về văn hóa thể thao. Quy hoạch cần xây dựng bộ tiêu chí ngành thể thao và du lịch, đề cập rõ ràng hơn Mạng lưới cơ sở văn hóa thể thao, các kế hoạch về duy tu, bảo dưỡng, xây mới cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; có những thiết kế quần thể kiến trúc và kiểu dáng của các công trình văn hóa thể thao.

PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng nêu ý kiến: "Phải làm rõ nhu cầu cấp thiết về phát triển văn hóa, thể thao của từng vùng miền và từ đó hệ thống cơ sở văn hóa, thể thao mang bản sắc vùng miền. Nếu không phân tích được nhu cầu thực tiễn thì có những công trình đặt ra sau này công năng sử dụng sẽ ra sao, nếu không sử dụng thì lãng phí, như ở nông thôn có những chuyện làm chợ, xây chợ mà cuối cùng không ai đến họp. Chúng tôi rất muốn đến một ngày nào đó Việt Nam có những hạ tầng cơ sở để tổ chức các giải thi đấu của khu vực và quốc tế. Ví dụ như bóng đá, chúng ta cần có những sân vận động chuẩn mực như thế nào? Hậu thế sẽ nhớ gì về thời đại của chúng ta, đó là những hệ thống thiết chế này, cho nên đó là trách nhiệm của chúng ta đối với lịch sử nữa".

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đơn vị tư vấn rà soát, cập nhật mục tiêu, nội dung liên quan trong các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, các hoạch tổng thể quốc gia, từ đó, định hình quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao trong giai đoạn mới để phát triển hạ tầng tại các vùng, địa phương; xây dựng các tiêu chí xác định dự án ưu tiên của lĩnh vực văn hóa và thể thao.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Đặt mục tiêu nhưng phải xây dựng các quy chuẩn mà làm. Trong thể thao phải phân ra cái gì mang tính chất trung tâm để phát triển tầm quốc tế và khu vực, tất nhiên phải tập trung ở những khu vực đô thị đông dân, đầu mối giao thông thuận lợi, hạ tầng tốt, kèm theo đó là đáp ứng các dịch vụ xã hội khác… Tương tự như vậy về văn hóa càng phức tạp, có nhiều lĩnh vực văn hóa thì các đồng chí cũng phải xác định mục tiêu, tiêu chí, mà phải xây dựng tiêu chí quốc gia".