Những số phận trong thời cuộc đầy biến động

Nguyễn Một là một trong những nhà văn tài năng của văn đàn Việt Nam. Tên tuổi của ông trước đó được độc giả biết đến qua tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” và “Ngược mặt trời”. Sau thành công của hai cuốn tiểu thuyết này, Nguyễn Một tạm rời phong cách huyền ảo quen thuộc để đào sâu mảnh đất hiện thực bằng những chiêm nghiệm đời sống của chính mình, qua đó tiếp tục ghi dấu ấn và và phủ sóng diễn đàn văn chương với tiểu thuyết mới mang tên “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”.

“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” là câu chuyện chân thực về cuộc tình của một chàng trai nông thôn trốn lính lên thành phố rồi đem lòng yêu một cô bé ở vùng ven phố thị. Câu chuyện tình của họ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến đang giai đoạn rực lửa.

Tuy nhiên, suy cho cùng đây không phải là một tiểu thuyết diễm tình, bởi xung quanh mối tình này còn chằng néo hàng loạt mối quan hệ với những nhân vật, những con người mang thân phận khác nhau. Ở đó đầy sự dở dang của một cô gái đang độ xuân thì, một chàng trai trốn lính với tình yêu da diết, tưởng chừng sống chết với người mình yêu lại có lúc nhu nhược trước những tình cảnh khắc nghiệt của cuộc sống. Và bao trùm lên số phận mỗi nhân vật chính là vận mệnh của đất nước khi đang bị chia cắt bởi cuộc chiến lịch sử.

Các nhân vật chính còn là ba người tử trận, cùng là anh em ruột trong một gia đình. Hai người chết vì “tận nghĩa với quốc gia”, còn một người “hy sinh vì Tổ quốc”. Họ sống và chiến đấu cho các lý tưởng khác nhau. Nhưng họ chết thì giống nhau, đều bị bắn và đều phơi xác dưới mặt trời, ngay trên chính mảnh đất chôn rau cắt rốn của họ.

Không chỉ là những số phận nhân vật chân thực, đầy màu sắc, bám vào sự chuyển đổi của thời cuộc, mà điểm độc đáo, hấp dẫn của tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” là đã khắc họa được bức tranh nhiều vùng nông thôn, đô thị của miền Nam giai đoạn trước và sau năm 1975. Qua cuốn sách, Nguyễn Một dẫn đưa người đọc quay trở lại với thời kỳ dĩ vãng của lịch sử, nơi mà tận cùng của tình yêu, chiến tranh và những giằng xé trong nội tâm mỗi con người. Đó là những khát khao đầy tính nhân bản. Và bằng thứ ngôn ngữ gai góc, dữ dội, tác giả Nguyễn Một đã tái hiện lại chân thực về cuộc chiến ở giai đoạn thảm khốc.

Nhà báo Yên Ba, người đã tiếp xúc với “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” từ lúc còn là bản thảo sơ khai cho rằng: “Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này khá lạ. Là một nhân vật không ác, không thiện. Cuốn sách trải dài theo chiều lịch sử trong giai đoạn tang thương của đất nước. Ở đó, sự vô minh của con người trong thời chiến và số phận con người trở nên nhỏ bé trong cuộc chiến vô tri được nhấn mạnh bằng một thủ pháp hoàn toàn khác hai tiểu thuyết trước đó của Nguyễn Một”.

Góc nhìn mới về đề tài chiến tranh

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, cuốn tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một đã viết về chiến tranh với góc nhìn mới mẻ. Ở đó người trực tiếp gây ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam là đế quốc Mỹ không hề hiện diện, mà vấn đề của con người Việt Nam sau gần 50 năm nhìn lại cuộc chiến mới là điều xuyên suốt cuốn tiểu thuyết.

Qua “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, độc giả sẽ có cảm giác như chính mình đang ở trong cuộc chiến, trực tiếp chịu đựng nó và tìm cách thoát ra khỏi nó. Tại đây, nhà văn Nguyễn Một đã cho thấy sự thảm khốc của cuộc chiến tranh, khi “xé nát” tất cả những nơi nó đi qua. Tiểu thuyết với sự xuất hiện dày đặc của các tuyến nhân vật như một xã hội thu nhỏ. Và trong xã hội thu nhỏ ấy, từ những người có thân phận nhỏ bé nhất cho đến người có vị trí trong xã hội đều bị chiến tranh “giày vò”, giấc mơ dừng lại, số phận thay đổi.

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Một đã thành công khi chỉ ra bản chất kinh hoàng trong chiến tranh, chỉ ra số phận con người trước thách thức của cuộc chiến. Thế nhưng điều đáng ghi nhận hơn cả, là tác giả đã nêu ra cái giá vô cùng đắt mà dân tộc Việt Nam đã phải “bỏ ra” để đi qua cuộc chiến.

“Chúng ta đã đi gần hết nửa thế kỷ sau chiến tranh kết thúc, người Mỹ đã đi khỏi đất nước chúng ta nhưng vẫn còn có một “chiến trường” khác vẹn nguyên trong tâm hồn con người Việt Nam, đó là sự tàn phá về mặt tinh thần. Sau 50 năm, nhà văn Nguyễn Một, một nhà văn thuộc thế hệ sau năm 1975 đã trở lại cuộc chiến tranh đó bằng ký ức, tinh thần và bằng tư liệu.

Thế nhưng Nguyễn Một đã trở về chiến tranh nhưng không phải đau thương, than khóc, khơi lại hận thù và cũng không ngạo mạn với chiến thắng thêm một lần nữa mà quay trở lại tìm cách, để không xảy ra một cuộc chiến tranh tương tự nào trong tương lai. Dân tộc ta đã đi qua chiến tranh, cái giá phải trả vô cùng đắt. Chính vì thế, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút hòa bình hôm nay phải được trân trọng và không thể đánh mất”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Với nhà văn Tạ Duy Anh, khi đọc tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, ông chỉ thấy hãi hùng và phải “gào” lên những câu hỏi không bao giờ có lời đáp về chiến tranh. Theo ông, ý nghĩa nhân văn lớn lao nhất mà chúng ta nhận được sau khi khép lại cuốn sách này chính là lời kết án: “Chiến tranh, mi đừng có sinh ra trên thế gian này”.

“Tôi nghĩ đây là cuốn tiểu thuyết nên đọc bởi không chỉ là câu chuyện tình dang dở mà qua đó, Nguyễn Một đã kỳ công đưa lại cho chúng ta những nỗi đau của người dân trong cuộc chiến”, nhà văn Tạ Duy Anh nhận định. 

Nhà văn Nguyễn Một (sinh năm 1964) còn có bút danh là Dạ Thảo Linh khi viết những cuốn sách dành cho thiếu nhi như: Hoa dủ dẻ, Năm đứa trẻ xóm đồi, Long lanh giọt nắng, Mùa trái chín… Ông cũng là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài: truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết.

Truyện ngắn "Trước mặt là dòng sông" của nhà văn Nguyễn Một từng được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim truyền hình. Tiểu thuyết "Đất trời vần vũ" của ông được giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội nhà văn 2010 và cũng được dịch và đưa vào thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

Hiện ông đang sống tại tỉnh Đồng Nai, là ủy viên Hội đồng văn xuôi - Hội nhà văn Việt Nam.