Lần đầu tiên Liên hoan Câu lạc bộ Nghệ thuật bài chòi dân gian tỉnh Bình Định mở rộng được tổ chức nhằm vinh danh giá trị di sản bài chòi Trung bộ được UNESCO ghi danh. Đây là dịp đại diện các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản bài chòi dân gian; đồng thời, là cơ hội để các nghệ nhân, diễn viên trình diễn, quảng bá di sản nghệ thuật bài chòi dân gian phục vụ người dân Bình Định và du khách.
Nghệ nhân Mạnh Thìn (52 tuổi), Câu lạc bộ bài chòi Quảng Nam cho biết: “Hô hát bài chòi thì gồm có con cờ, ống xóc... rồi những thứ phục vụ như quà để tặng khán giả. Tự hào lắm khi về cái nôi của bài chòi. Câu lạc bộ bài chòi cũng phải tập luyện và vào đây với khí thế tự tin để về phục vụ bà con ở đất Quy Nhơn, cùng với tất cả các câu lạc bộ hoàn tất chương trình liên hoan này”.
Thông qua Liên hoan Câu lạc bộ Nghệ thuật bài chòi dân gian tỉnh Bình Định mở rộng năm 2022, ngành văn hóa tỉnh này sẽ đánh giá lại 5 năm triển khai Chương trình hành động quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi dân gian ở khu vực Trung bộ, đồng thời, đề ra phương hướng để thực hiện phát huy nghệ thuật bài chòi dân gian trong thời gian tới. Khuôn khổ liên hoan còn có tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian”; triển lãm ảnh về thực hành và truyền dạy nghệ thuật bài chòi dân gian; tham quan, giao lưu tại Hội đánh bài chòi dân gian thành phố Quy Nhơn...
Ông Huỳnh Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bình Định cho biết tỉnh chú trọng tìm kiếm nguồn nhân lực để truyền dạy hô hát bài chòi cho thế hệ trẻ: “Trên cơ sở vấn đề cốt lõi của nghệ thuật bài chòi dân gian, chúng tôi sẽ đưa nghệ thuật bài chòi này vào phục vụ du khách. Làm sao vẫn giữ được hồn cốt của văn hóa dân gian nhưng cũng phải phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, cũng như bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Định”./.