Vài năm gần đây, trào lưu tìm về những kịch bản kinh điển đã nở rộ tại các sân khấu, đem lại sức hút cho loại hình nghệ thuật tưởng chừng đã bị khuất lấp sau sự bùng bổ của nhiều hình thức giải trí hiện đại. Những vở kịch khiến khán giả yêu thích và say mê, và đồng thời khiến nghệ sĩ càng nỗ lực cống hiến hết mình trên sân khấu.
Chia sẻ về sự trở lại của nhiều tác phẩm kinh điển, NSƯT Trần Ly Ly – Cục trường Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói: "Việc nhìn thấy khán giả đến xem dù bất kỳ sân khấu nào đều là niềm hạnh phúc, bởi sợ nhất là sân khấu chết đi. Nếu mất điều đó nghĩa là mất đi một mảng vô cùng quan trọng trong đời sống".
"Hiện tượng kịch bản kinh điển đang nở rộ cho thấy sân khấu đang thiếu những người viết kịch bản hay, thiếu những con người tài năng và chưa có sản phẩm thực sự xứng đáng để thu hút. Chính vì thế, người xem vẫn mong muốn, ước vọng, hướng tới những kịch bản cổ điển".
Nhiều tác phẩm văn học kinh điển đã được đưa lên sân khấu như Truyện Kiều, Làng Vũ Đại ngày ấy, Lão hà tiện… Xây dựng những vở kịch kinh điển nghĩa là phải chấp nhận đương đầu với thách thức như kinh phí lớn, kỳ công và cả áp lực bị đem ra so sánh. Không thể lười biếng ăn theo thành công của phiên bản cũ mà phải sáng tạo và mang hơi thở mới, rất nhiều nhà hát hiện đang nỗ lực điều này. Việc làm mới các tác phẩm kinh điển đã góp phần tạo ra những đêm diễn đỏ đèn, không chỉ thử tài các nghệ sĩ trẻ mà còn là đem những giá trị bất hủ của văn học nghệ thuật Việt Nam và thế giới đến công chúng hôm nay.
Theo NSƯT Trần Ly Ly, việc các tác phẩm kinh điển được chuyển thể thành nhiều dạng nghệ thuật khác nhau là hiện tượng tốt. Điều quan trọng nhất ở đây chính chất lượng của các tác phẩm mới này, trong đó tài năng của ê-kíp sản xuất mang vai trò quyết định.
"Người xem có thể lựa chọn, có người thích nhạc kịch, có người xem kịch nghệ, người khác thích văn chương hay các hình thức ca múa nhạc khác, đó là sự lựa chọn của xã hội. Vì thế, chúng ta càng đa dạng càng tốt nhưng vẫn phải thận trọng, bởi nên hay không nên làm thì đều sẽ do cung – cầu trong xã hội trả lời. Khi nào nhu cầu còn thì bắt buộc sẽ có cung.
Trong thời gian tới, chúng ta cũng không quá khắt khe với những tài năng sáng tạo, chúng ta phải chấp nhận để thấy được cái hay của họ, để họ dám làm, dám đưa ra tư tưởng mới thì sẽ có những tài năng mới xuất hiện", NSƯT Trần Ly Ly cho hay.
Những kịch bản kinh điển có sức sống riêng, giống như cái đẹp, cái thiện luôn là giá trị của cả nhân loại trong mọi thời đại. Với nghệ thuật, không có cũ hay mới, chỉ có tác phẩm dở hay hay./.