Sáng nay (24/9), tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) diễn ra hội thảo Khoa học "Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy quần thể di tích thương cảng Vân Đồn". Dự và tham luận tại Hội thảo có hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý và các nhà nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.

Sau khi trang Vân Đồn được vua Lý Anh Tông (1009-1225) khai mở năm 1149, Vân Đồn trở thành thương cảng quốc tế lớn nhất và quan trọng của đất nước với hệ thống các bến cảng, điểm kiểm soát tàu thuyền, hàng hoá, thu thuế và là căn cứ phòng vệ. Liên tục trong gần 7 thế kỷ (từ giữa thế kỷ XII đến cuối thế kỷ XVIII), thương cảng Vân Đồn giữ vai trò kinh tế, chính trị hết sức quan trọng đối với sự phát triển đất nước, góp phần thiết lập và mở rộng các mối quan hệ bang giao quốc tế, trở thành điểm đến của nhiều đoàn thương thuyền từ các quốc gia trong khu vực.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia khẳng định: "Ở phía Bắc, thương cảng Vân Đồn được có từ rất sớm từ thời vua Lý Anh Tông đã có Chỉ dụ thành lập thương cảng này để buôn bán với nước ngoài. Tức là có một quyết định của người đứng đầu nhà nước về thành lập trang Vân Đồn. Ở phía Bắc thương cảng Vân Đồn có lịch sử tương đối sớm và chủ yếu giao lưu với các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Các thương nhân nước ngoài đã tới đây và tính chất hoạt động về hoạt động quản lý thương mại và các thương nhân rất chuyên nghiệp. Đây là điều kiện tạo ra sự hưng thịnh quốc gia, tạo nên diện mạo cường thị cho quốc gia Đại Việt."

Tại hội thảo, 34 tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế đã công bố những phát hiện mới liên quan tới khảo cổ học thời tiền sử, những dấu tích vật chất, tài liệu... khẳng định những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế khoa học của thương cảng Vân Đồn và vùng đất này; Đặc biệt là tầm quan trọng của thương cảng Vân Đồn trong lịch sử giữ nước của quốc gia Đại Việt thế kỷ X-XVIII...

Những nghiên cứu này sẽ giúp Quảng Ninh củng cố, bổ sung vào hồ sơ khoa học để trình Chính phủ xét duyệt hồ sơ Quần thể di tích thương cảng Vân Đồn là di tích quốc gia đặc biệt. Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Quảng Ninh là mảnh đất sở hữu rất nhiều di sản, di tích quốc gia đặc biệt như Vịnh Hạ Long, Yên Tử, Bạch Đằng. Thương cảng Vân Đồn là thương cảng đầu tiên của đất nước Đại Việt, là di sản văn hóa gắn với giao lưu, giao thương và kinh tế với quốc tế. Chúng tôi đang xây dựng hồ sơ để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt để có ứng xử đặc biệt đối với di tích này."

Hội thảo khoa học "Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy quần thể di tích thương cảng Vân Đồn" là hoạt động vừa mang tính hàn lâm, vừa mang tính thực tiễn nhằm hướng đến những nhận thức ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn về thương cảng Vân Đồn và những đặc trưng của một không gian văn hóa vùng Đông Bắc; làm rõ hơn giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng đất Quảng Ninh và tạo hành lang pháp lý cho công tác quy hoạch, bảo tồn, phát huy những giá trị di sản./.