Tối nay (18/1), tỉnh Tiền Giang tổ chức Chương trình nghệ thuật “Tiền Giang - cái nôi của nghệ thuật cải lương”.

Chương trình có sự phối hợp thực hiện của Sở VH-TT-DL TPHCM, Nhà hát Trần Hữu Trang, Bảo tàng TPHCM và Đài Truyền hình TP HCM.

Đây là một trong những hoạt động chào mừng sự kiện nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh là văn hóa phi vật thể của nhân loại, kỷ niệm 95 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương.

Ngoài biểu diễn trích đoạn vở cải lương nổi tiếng là “Đời cô Lựu” và “Tô Ánh Nguyệt” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ có tên tuổi, tỉnh Tiền Giang cũng trân trọng vinh danh 30 nghệ sĩ quê hương Tiền Giang hoặc có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương địa phương như: NSND Phùng Há, NSND Bảy Nam, soạn giả - liệt sĩ Trần Hữu Trang, NSND Nguyễn Thành Châu, GS-TS Trần Văn Khê, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Kim Cương…

Theo tài liệu lịch sử, vào khoảng năm 1917, ông Châu Văn Tú (hay còn gọi là thầy Năm Tú) ở xã Vĩnh Kim, Mỹ Tho đã thành lập gánh hát đầu tiên tại Việt Nam mang tên “Gánh hát Thầy Năm Tú - Mỹ Tho”.

Sau đó năm 1918 xây dựng rạp Thầy Năm Tú. Ngày 15/3/1918 rạp Thầy Năm Tú ra mắt vở cải lương đầu tiên là Kim Vân Kiều.

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Văn hóa –thể thao và du lịch tỉnh Tiền Giang, nghệ thuật sân khấu cải lương đã hình thành và phát triển từ đó với sự đóng góp của rất nhiều soạn giả, nghệ sĩ tài danh. Gánh hát cải lương đầu tiên của Thầy Năm Tú với những nghệ sĩ đầu tiên đã được phong tặng nghệ sĩ nhân dân. Bên cạnh đó, tại Tiền Giang cũng đã xây dựng rạp hát cải lương đầu tiên.

Đến 1980 đổi tên thành rạp hát Tiền Giang. Hiện nơi đây đã được Bộ VH-TT và DL thỏa thuận làm hồ sơ công nhận di tích quốc gia. Vì vậy, các nhà nghiên cứu vinh tặng cho Tiền Giang là cái nôi nghệ thuật cải lương./.