Việc xét xử nhanh chóng này khiến trên mạng loan truyền thông tin pháp luật Mỹ điều tra nhanh, xét xử gọn, không “câu dầm” vụ án như ở Việt Nam. Đây là một cách hiểu sai, nên tôi xin thông tin ở chỗ này.

1_rngv.jpg

Trước hết, xin nói rộng một chút về các hệ thống pháp luật. Trên thế giới có nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, trong có 2 hệ thống Common Law và Civil Law. Nước Mỹ theo hệ thống Common Law còn Việt Nam theo hệ thống Civil Law. Hai hệ thống này khác nhau nhiều thứ trong đó có khác nhau về mô hình tố tụng, nghĩa là cách thức tiến hành các bước của một vụ án.

Mô hình tố tụng của Common Law cũng là của nước Mỹ là tố tụng tranh tụng, còn mô hình tố tụng của Civil Law cũng là của Việt Nam là tố tụng thẩm vấn.

Nếu dùng mô hình tố tụng tranh tụng, thì 3 công đoạn điều tra, truy tố và xét xử sẽ được tiến hành song song. Chính vì vậy ở Mỹ thường đưa vụ án ra xét xử rất nhanh chóng. Như vụ án nghệ sĩ Minh Béo, thì chỉ 20 ngày kể từ lúc cảnh sát bắt giam anh là đã đưa ra xét xử. Tại tòa, bên buộc tội (công tố) và bên gỡ tội (luật sư) sẽ cùng tranh luận với nhau. Nếu chưa đủ chứng cứ buộc tội, thì phía buộc tội phải tiếp tục trở lại giai đoạn điều tra và vụ án sẽ được mở lại lần sau. Sau một thời gian theo luật định, nếu bên buộc tội không thắng được bên gỡ tội, thì tòa án (đứng giữa) sẽ tuyên trắng án.

Như vậy mô hình tố tụng tranh tụng sẽ phải mở nhiều phiên tòa khác nhau và mở rất sớm, nhưng vụ án có thể kéo dài nếu chưa xong.

Ngược lại mô hình tố tụng thẩm vấn theo quy trình nối tiếp nhau cho các công đoạn điều tra – truy tố - xét xử. Quy trình này đòi hỏi việc điều tra phải hoàn thiện xong mới được chuyển qua truy tố và xét xử. Vì thế việc đưa ra xét xử chậm hơn so với mô hình tố tụng tranh tụng. Tuy nhiên, nếu so sánh trên góc độ tổng thể, thì không phải tố tụng tranh tụng là nhanh gọn hơn vì ngay khi đưa ra xét xử, việc điều tra vẫn chưa dừng lại. Còn tố tụng thẩm vấn, khi đưa ra xét xử thì việc điều tra đã xong (trừ số ít những trường hợp phải điều tra bổ sung hoặc mở rộng theo yêu cầu của tòa án).

Cũng cần nói thêm, Civil Law gồm rất nhiều nước trong đó có Việt Nam chứ không phải chỉ mình Việt Nam. Thí dụ trong Civil Law có: Civil Law của Pháp bao gồm Pháp, Tây Ban Nha, và những nước thuộc địa cũ của Pháp; Civil Law của Đức bao gồm Đức, Áo, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; Civil Law của những nước Scandinavian bao gồm Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy và Ailen.

Như vậy ý kiến cho rằng pháp luật Mỹ nhanh nhạy hơn pháp luật Việt Nam là không đúng.

Luật gia Trần Đình Thu