Tình yêu của Đại tá Lê Đại Hiệp và NSƯT Đạo diễn Bùi An Ninh đã vượt qua những tháng ngày gian khổ trong thời chiến, đến nay, sau gần 50 năm chung sống, vẫn vẹn nguyên như thuở nào...
Lời tỏ tình “chứa chan” tinh thần thời chiến
NSƯT Đạo diễn Bùi An Ninh sinh năm 1948, là con gái cả trong một gia đình cán bộ ở phố Cửa Bắc, Hà Nội, được tiếng nết na, xinh đẹp. Năm cô bé Ninh 8 tuổi, anh Lê Đại Hiệp hơn cô 6 tuổi (sinh năm 1942) là người phụ trách Đội của Ninh. Khi anh Hiệp 18 tuổi, chàng thanh niên thư sinh nhập ngũ. Chỉ với 8 tháng tuổi quân anh đã trở thành chiến sĩ “ba nhất”. Nhưng cô Ninh chỉ biết anh Hiệp trên cương vị là người phụ trách Đội.
Đại tá Lê Đại Hiệp và đạo diễn Bùi An Ninh thời trẻ. |
16 tuổi, cô nữ sinh duyên dáng Bùi An Ninh của trường Chu Văn An hăng hái xung phong “ba sẵn sàng” theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, cô gái trẻ nhắn nhủ “anh phụ trách” của mình, rằng: “Em đi chiến đấu thế này, mỗi lần anh ở đơn vị về, gắng ghé qua nhà em để động viên bố mẹ em nhé”. Đáp lại lời nhắn chân tình của người con gái, “anh phụ trách” Lê Đại Hiệp dặn dò: “Đừng bao giờ lùi lại đằng sau và đừng bao giờ để thua kém mọi người, chúc em may mắn”.
Trên chiến trường Trường Sơn khói lửa, trong trí nhớ của những người đồng đội là hình ảnh cô “An Ninh Cửa Bắc” đội mũ tai bèo khi uyển chuyển, nhịp nhàng trong đội múa, lúc sôi nổi vô tư đứng hát cùng các chiến sĩ lái xe, chiến sĩ công binh trên những “trọng điểm” ác liệt trong tiếng gào rít của máy bay phản lực. Có những lần nước mắt cô đầm đìa trong khói lửa đạn bom, ngậm ngùi đưa tiễn đồng đội về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ngày cô Ninh đi B, anh Hiệp ở chiến trường miền Bắc vẫn giữ lời hứa với cô nữ sinh, lần nào từ đơn vị về, anh cũng ghé qua nhà cô giúp đỡ các em, động viên bố mẹ cô cùng cố gắng để cô yên tâm làm nhiệm vụ.
Giờ đây, khi đã bước qua ngưỡng tuổi “thời trai trẻ”, ông Hiệp kể rằng, trong cuộc chiến năm đó, có một người đi chiến trường phía Nam, còn một người ở chiến trường phía Bắc. Có lần, ông đã xin đơn vị điều mình vào Nam để cùng tham gia trận chiến nhưng mục đích là để được gần bà hơn. Lúc nhận được tin chuẩn bị vào chiến trường Miền Nam, họ đã hoan hỷ viết thư báo tin cho nhau, thế mà vừa hành quân được nửa chặng đường, ông lại bị điều về, cuộc “hội ngộ” biết mấy mong chờ cuối cùng lại chẳng xảy ra.
5 năm trời, họ chỉ gặp nhau đúng 3 lần. Bà ở chiến trường miền Nam, những bức thư ông gửi niềm thương nhớ đến bà chỉ bé bằng 3 ngón tay, vẻn vẹn mấy dòng, gửi kèm cùng thư cho bố mẹ. Ông Hiệp vẫn giữ lại cuốn “sổ ghi thư”, ghi lại những bức thư mà bà gửi về từ chiến trường miền Nam và chép lại những bức thư ông gửi bà từ chiến trường miền Bắc. Sợ bị thất lạc, ông còn cẩn thận chép lại và lưu giữ nó đến tận bây giờ. Ông bảo, thỉnh thoảng 2 ông bà vẫn lấy sổ ra rồi đọc cho nhau, kể về quãng thời gian xa cách như vẫn đầy lửa tình yêu vậy.
Thế rồi, năm Mậu Thân 1968, cô Ninh cùng đơn vị ra Bắc để chuẩn bị chương trình phục vụ “Cánh đồng Chum” và đó cũng là lần thứ 2 hai người gặp nhau. Ngày hội ngộ, như được thỏa nỗi lòng mong ước, chiều về, trên chiếc xe đạp cũ, anh Hiệp chở cô Ninh về đơn vị và khẽ hỏi: “Hay là anh em mình tiến lên”, cô văn công Ninh e thẹn đáp: “Vâng, anh cứ về nói chuyện với bố mẹ em”. Thế rồi sau đợt đấy anh Hiệp sang nhà cô Ninh xin hỏi cưới. Năm ấy là năm 1970.
Thế nhưng, cưới xong được 2 tuần, cô lại phải trở vào chiến trường miền Nam một lần nữa, tình yêu của họ lại tiếp tục là yêu trong xa cách. Ông kể, ngày đó, khi cả đoàn của vợ lên ô tô, ai nấy đều bịn rịn, ông ra tiễn, bà cũng chỉ nói được 3 từ “Đồng chí ơi” mà nghẹn ngào không khóc được…
Tin đến cùng cho một tình yêu sắt son
Chiến tranh, xa cách, quãng thời gian ở bên chẳng được là bao. Ngày hội ngộ, bù đắp cho những ngày xưa trẻ, ông luôn dành tình cảm chân tình và giúp đỡ người vợ của mình. Không có những bông hoa, không lắm những lời “có cánh”, thỉnh thoảng ông bà hẹn nhau đi ăn, đi xem phim và kể cho nhau nghe những câu chuyện xưa nhưng chẳng cũ.
"Tình yêu thời bình" của đại tá Lê Đại Hiệp và đạo diễn Bùi An Ninh. |
Ngày trở về Hà Nội, kết hôn, 2 vợ chồng chỉ có căn nhà 8m vuông, tức là nửa gian nhà lá làm chỗ ra vào. Thời điểm đó truyền hình nước ta mới bắt đầu thử nghiệm, cô văn công An Ninh vừa trải qua một thời kỳ thử thách trong điều kiện khắc nghiệt, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, bắt tay vào làm việc. Năm 1976, gian nhà nhỏ còm cõi của hai vợ chồng ở Đại La bị lây hỏa hoạn, cháy rụi hết mọi đồ dùng cần thiết. Chồng bộ đội vẫn ở đơn vị xa, con trai đầu phải gửi ông bà ngoại trông nom, bà vừa đi học, lại phải thường xuyên đến bệnh viện chữa trị đau dạ dày và sốt rét.
Đại tá Lê Đại Hiệp bày tỏ, giờ thì cả ông và bà đều đã lên chức ông nội, bà nội, gần 50 năm sống chung dưới một mái nhà, hai ông bà dựa vào vai nhau mà sống, để vui vẻ và chăm sóc con cháu. Tuổi đã cao, hai người vẫn thủ thỉ với nhau rằng, sống với nhau để hiểu ý nhau, luôn ủng hộ nhau tất cả mọi mặt trong cuộc sống. “Tin nhau đến cùng, giúp nhau đủ nghị lực để làm tròn nghĩa vụ với đất nước. Còn khi sống với nhau thì trọn nghĩa, vẹn tình”, ông Hiệp cười hiền chia sẻ.
Sống, học tập, đam mê và cống hiến
Với nghị lực hiếm thấy đối với một “tiểu thư Hà Nội” của thời bao cấp, An Ninh đã vượt lên, học thầy, học bạn, trau dồi cho mình những kiến thức cơ bản về “Nghệ thuật thứ 7”, về nghiệp vụ đạo diễn sau 4 năm học tập, tốt nghiệp khoa đạo diễn trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Suốt chặng đường đó, ông Hiệp vẫn luôn ủng hộ mọi công việc của bà.
Đạo diễn Bùi An Ninh: sống đam mê và cống hiến hết mình cho sự học. |
Đạo diễn An Ninh bảo, tự hào về tuổi trẻ và những năm tháng chiến đấu, bà luôn tự nhủ phải sống đúng, học tập, đam mê và cống hiến. Bà nói: “Tôi đã vượt Trường Sơn, được sống trong sự yêu thương của đồng đội và đồng bào để hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên, tôi đã đúc rút ra được bài học rằng, chúng ta hãy sống đam mê và cống hiến hết mình. Mình phải học hỏi, sáng tạo như mục đích sống của bản thân, làm sao cho sống vui, sống thiện và giúp đỡ mọi người. Nếu không học thì chỉ làm con người mình thêm thụt lùi mà thôi. Có được sự học thì phải hy sinh”.
Đối với bà, hạnh phúc quan trọng bên cạnh yếu tố gia đình chính là khi mình nghỉ hưu rồi nhưng vẫn chưa hề nghỉ việc, vẫn đi làm, cống hiến với niềm đam mê và sáng tạo. Bên cạnh đó, giúp đỡ những người bạn - người đồng nghiệp của mình, từ những người trẻ nhất cho đến những người lớn tuổi để họ tìm được niềm vui trong cuộc sống cũng chính là động lực để bà phấn đấu và hoàn thiện bản thân.
Thời gian ở Ban văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam, trong những đóng góp đáng kể của đạo diễn An Ninh và các đồng nghiệp quay phim nổi trội là 3 phim truyền hình đoạt 3 giải vàng qua các cuộc thi Liên hoan phim truyền hình toàn quốc: Tìm em cô ca sĩ (1991), Hoang hôn dang dở (1993), và Giọt mồ hôi rơi trên má mặt trời (1994) với cách thể hiện mới mẻ, sinh động.
Phải là một tâm hồn Trường Sơn trong sáng, một trái tim Trường sơn nồng nàn mới có Giọt mồ hôi trên má mặt trời thắm tình đồng đội, dạt dào yêu thương như vậy. Để rồi lại có Cầu truyền hình đặc biệt Việt Lào đầy ắp tình nghĩa, lấp lánh nhân văn - một chương trình An Ninh ấp ủ từ lâu nhằm góp phần đền đáp sự đùm bọc, chở che của những bà mẹ Lào đôn hậu, những bà con các bộ tộc Lào nhường đất, nhường bản cho bộ đội Cụ Hồ làm bàn đạp mở đường thắng lợi…/.