Kể từ năm đầu tiên tổ chức thi hoa hậu toàn quốc 1952, năm nay, lần đầu tiên cuộc thi nhan sắc lớn nhất ở quốc gia Nam Mỹ sẽ không công bố chỉ số 3 vòng (ngực, eo, mông) của 24 thí sinh lọt vào vòng chung kết diễn ra tối 1/8 tại thủ đô Caracas.

Dù vậy, các thí sinh tham dự cuộc thi hoa hậu Venezuela 2019 vẫn sẽ có màn thi áo tắm (bikini) và đầm dạ hội chứ không bỏ phần thi bikini như quan điểm của ban tổ chức cuộc thi Miss America của Mỹ công bố tháng 6 năm ngoái.

kimthoa_missvenezuela_3read_only_15647129253261192029267_byfp.jpg
Các thí sinh dự thi Miss Venezuela 2019 - Ảnh: AFP

Một cuộc cách mạng của đấu trường nhan sắc

 Hãng tin AFP dẫn lời bà Gabriela Isler - giám đốc truyền thông của cuộc thi Miss Venezuela, giải thích ban tổ chức quyết định loại bỏ việc công bố thông tin này vì vẻ đẹp của một người phụ nữ không nên gắn với chỉ số lý tưởng mặc định.

Theo cựu hoa hậu hoàn vũ năm 2013 Gabriela Isler, vẻ đẹp của một phụ nữ không nên gắn với những định kiến về hình thể bên ngoài, không phải là 90, 60, 90..., mà phải được đánh giá trên cơ sở tài năng của cô ấy.

Là quốc gia nổi tiếng vì tần suất sản sinh "dày đặc" các mỹ nhân cho thế giới (Venezuela từng có các đại diện giành được 7 vương miện hoa hậu hoàn vũ và 6 vương miện hoa hậu thế giới), quyết định dừng công khai chỉ số đo 3 vòng của các thí sinh dự thi hoa hậu Venezuela được giới quan sát nhận định giống như một cuộc cách mạng trong thông lệ của đấu trường nhan sắc.

Trong quá khứ, những người dẫn chương trình sẽ đọc công khai số đo 3 vòng của mỗi thí sinh khi họ bước ra sân khấu. Đối mặt với áp lực bị "super soi" này, rất nhiều cô gái đã phải chọn phẫu thuật thẩm mỹ hay cố gắng ăn uống kiêng khem để đạt được những chỉ số cơ thể kiểu "đồng hồ cát" như một chuẩn mực về vẻ đẹp hình thể.

Không nhìn cái đẹp quá duy lý

Trước thông tin này, có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau từ người xem VN. TS Nguyễn Thị Minh Thái phản biện: "Do cách tổ chức và do quan niệm mà lâu nay ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu và thí sinh nghiêng quá nhiều về vẻ đẹp hình thể.

Điều này đã bị lên án và phải điều chỉnh. Tuy nhiên, điều chỉnh theo cách của Venezuela: không công bố số đo 3 vòng của các thí sinh dự thi là không ổn. Nếu vậy thì còn gì là một cuộc thi hoa hậu nữa. Điều này phản lại tiêu chí bắt buộc của một cuộc thi sắc đẹp".

Ở góc nhìn của phía cơ quan quản lý, ông Trần Hướng Dương - cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn - nói: "Chúng tôi coi việc ban tổ chức cuộc thi hoa hậu ở Venezuela không công bố số đo 3 vòng của các thí sinh dự thi như một thông tin để tham khảo cho hoạt động quản lý nhà nước của mình.

Liên hệ với VN, trong năm nay đã có vài cuộc thi sắc đẹp bỏ phần thi bikini, quan điểm của chúng tôi là cái gì tốt, đảm bảo tính văn hóa của các cuộc thi thì chúng tôi đều ủng hộ. Về việc thi bikini, hiện dư luận còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy vậy, tới đây nếu dư luận đồng thuận thì chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng sửa đổi các quy định".

Ở góc độ khán giả, anh Quốc Đạt (Hà Nội) bình luận một cách chừng mực: "Nói chung, nếu ban tổ chức cuộc thi hoa hậu ở Venezuela không công bố mà vẫn đo và dùng nó làm tiêu chí đánh giá thì có lẽ cũng chỉ là một hình thức tạo sự khác biệt cho cuộc thi là chính.

Còn nếu ban giám khảo không đánh giá thí sinh dựa trên số đo (và từ đó không công bố các số đo) thì cũng là một sự thay đổi khá thú vị. Bởi lúc này người ta sẽ không nhìn cái đẹp quá duy lý, từ đó thí sinh cũng không phải chạy đua để đạt thành tích số đo"./.