Mới đây nhất, trên trang cá nhân của mình, nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ vừa chia sẻ câu chuyện khá dài về việc làm nhạc cho một bộ phim. Anh cho biết, trước khi bắt đầu vào sáng tác, anh và nhà sản xuất đã cùng nhau thống nhất đưa ra chủ đề cho các ca khúc.
Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thành cả giai điệu và lời bài hát, anh đã phải cố "nhịn đắng nuốt cay" sửa đi sửa lại rất nhiều theo ý của nhà sản xuất và khác hoàn toàn với chủ đề ban đầu đã đưa ra. Mặc dù không nhắc đến tên của bộ phim, nam ca sĩ còn đưa ra những dẫn chứng theo quan điểm cá nhân để giải bày nỗi bức xúc quá lớn của mình.
Tăng Nhật Tuệ |
Cụ thể anh viết, "Một câu chuyện về nhạc phim nhỏ thôi, rất nhỏ và nhảm nhí... Đưa bài mẫu kiểu 1990, chủ đề nói về Sài Gòn và những người xa quê sống tại Sài Gòn. Làm demo xong nói muốn ca từ là chủ đề gia đình. Ok sửa!!! sửa hết dàn lời xong nói đổi giai điệu? Nể là bạn chị mình nên mình nói nhẹ nhàng là dạ, không đổi được giai điệu vì sửa lời rồi, lẽ ra phải báo đổi giai điệu trước khi yêu cầu sửa lời vì đây là tiếng Việt ạ, rồi sau đó đòi đổi nhạc phối thành Bống Bống Bang Bang?
Mình và ông anh producer đều không thể hiểu hai tác phẩm khác nhau về mọi khái niệm: dòng nhạc, nhịp điệu, tính cách, tốc độ ... thì làm sao có thể? Mà từ đầu đưa demo là 1 bài cổ, làm theo style cổ thì chê cổ quá, phải hiện đại lên, vẫn là yêu chị mình nên mình nói ông anh mình phối sao cho hợp lý theo khách vậy.
Được cái ông cũng hiền, cằn nhằn vài câu lại ... vẫn làm. Đang làm dở chừng đòi đổi các chữ La la la thành lời hát, cũng vẫn là vì chị nên mình vẫn tình cảm nói: La la la là cố tình với mục đích nhảy từ giai điệu chính kéo thành phần phức điệu của các em thiếu nhi. Phim đủ hay rồi thì hát ít lời thôi ạ, đừng nhét hết tất cả các chữ vô bài hát thành một đống bùi nhùi rối loạn lắm ạ.
1. Muốn bài hát đi ra ngoài bộ phim được thì đừng có lậm vào phim quá, nên bao quát một chút cho người ta sử dụng được ở các trường hợp khác ngoài phim được, nếu như chưa coi phim người ta vẫn hiểu bài hát. Ai cũng thấy "Em là bà nội của anh" nó chả liên quan nhiều tới phim, nhưng vấn đề là nó hội tụ đầy đủ những yếu tố để bước chân ra ngoài chiến đấu, đi đâu người ta cũng hát nó từ sân khấu xập xình tới quán acoustic.
Trong khi "Khi đàn ông số 0" - phim quá sức hay nhưng bài hát quá riêng tư vì đòi hỏi phải bám lấy nội dung phim. Ai không coi phim thì chẳng hiểu nó nói về cái gì?
Bức tâm thư đầy bức xúc của Tăng Nhật Tuệ. |
2. Đôi khi cái la la mà khách hàng tính bỏ đi mới khiến người ta nhớ nhất và hát theo đấy! Đôi khi người ta chỉ hát được hết câu I love you la la la la ... nhưng họ nhớ hoài. Giải thích vậy đó nhưng nhất định không nghe, nằng nặc đòi đổi không thì không lấy bài. Dù rất nể chị mình nhưng mình vẫn dịu dàng xin phép khách hàng khó tính không lấy bài thì vẫn trả tiền ạ. Thế là đổi ý lại lấy rồi kêu không lấy làm bài chính nữa nhưng vẫn lấy bài.
Ok sao cũng được, miễn là trả tiền, vì đi tới giai đoạn này là công sức của nhiều người không phải nói bỏ là bỏ được. Giờ cặm cụi kêu ông anh làm Acapella, phối đi phối lại, kêu ca sĩ, mướn thiếu nhi... làm vì cái tâm phải làm vậy, làm để tổ nhìn, chứ không còn vì bất cứ cái gì vớ vẩn khác nữa. Quá mệt! Ước gì giàu thật giàu, thiệt đó! Giờ chỉ ước bản thân giàu thật giàu, không phải để sướng thân, à mà thôi...".
Đây là lần đầu tiên nam ca sĩ Tăng Nhật Tuệ chia sẻ về khó khăn của anh trong công việc sản xuất âm nhạc, công việc chính mà nam ca sĩ đang theo đuổi sau khi tạm gác ca hát. Được biết, Tăng Nhật Tuệ cũng chính là tác giả của ca khúc "Yêu không cần nói" - nhạc phim "Kẻ trộm chó". Ca khúc do nam ca sĩ Tino và Bảo Uyên (The Voice) thể hiện.
"Yêu không cần nói" có ca từ, giai điệu nhẹ nhàng, và nhanh chóng chiếm được tình cảm của khán giả sau khi phát hành. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên 2 giọng ca trẻ Tino và Bảo Uyên kết hợp với nhau. Đây hứa hẹn sẽ là một món quà âm nhạc mà Tăng Nhật Tuệ và hai ca sĩ trẻ dành tặng cho khán giả./.