230 trang, con số ấy dường như chẳng thấm tháp so với Bên kia bức tường, cuốn tự truyện đầu tiên của nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập, trưởng ban nhạc rocks đình đám Bức tường. Và thêm nữa, cuốn sách này không phải anh viết mà do một cây bút trẻ thế hệ 9X, chưa tên tuổi trong làng viết lách, ngoài công tác biên dịch, biên tập, cô ấy chưa xuất bản cuốn sách nào.

Vậy thì ngoài cái tên Trần Lập nổi tiếng với lượng fan hâm mộ âm nhạc và ban nhạc của anh thì “Rong chơi” có điều gì hứa hẹn với độc giả. Và ngay từ phần tự bạch đầu tiên, tác giả Yo Le, tên thật là Lê Thu Thủy cũng đã như phân trần về cái sự khó khăn, cái ngại ngần mà cô phải vượt qua khi được phía công ty TNHH văn hóa và truyền thông 1980books đặt hàng viết về Trần Lập.

rongchoi2_flms.jpg
 

Và để cuốn sách đầu tiên của mình đủ sức chinh phục độc giả mà lại đảm bảo độ chân thực, Thu Thủy, trong gần một năm, đã gác toàn bộ công việc vốn đem lại thu nhập, đảm bảo cuộc sống của mình.

Thu Thủy cho biết: “Hồi nhỏ tôi đã nghe và thích âm nhạc của Bức Tường…Tôi nghĩ đôi khi khả năng viết chưa quan trọng bằng việc có tâm với cuốn sách…”

Được gặp gỡ, được chuyện trò cùng nhân vật được xem là thần tượng của nhiều người hâm mộ nhạc Rocks theo Thủy đó là cơ may. Nhưng để thuyết phục anh ấy kể lại những câu chuyện của quá khứ mà lại gồm cả những kí ức xám xịt, ở đó là một Trần Lập bị nhốt sau khung cửa, luôn thèm thuồng cuộc sống tự do ngoài kia, cất lên tiếng hát để tự an ủi mình, để vượt qua nỗi buồn.

Còn cả một Trần Lập vật lộn với cuộc mưu sinh, đứng trong giới anh chị, bị đuổi học và dính dáng đến lô đề. Và nữa, có cả một Trần Lập say mê những cung đường của Tổ quốc, từng bị cuộc sống Châu Âu hấp dẫn... Để viết, để hiểu về nhạc Rock với Thủy không quá khó vì cô cũng như nhiều lớp thanh niên đã từng mê say Bức Tường, đã theo cách này hay cách khác tiếp cận với Rock Việt.

Nhưng ở thú chơi xe độ thì quả là thách thức khó vượt. Nhưng toàn bộ chương 2: Moto và những cung đường đã được cô viết khá chắc tay. Thủy cho biết: “Nói về thú chơi xe thì thực ra hoàn toàn lạ lẫm với mình. Có thể nói đẹp thì bảo là đẹp nhưng hỏi đẹp như thế nào thì mình không biết…”

Có lẽ trong dự kiến ban đầu, “Rong chơi” với phụ đề “Trần Lập, rock, moto và những cung đường” đã là đủ vất vả cho Thủy để viết sao cho ra chất. Nhưng biến cố lớn xảy ra khi cuốn sách đi được 2/3 chặng đường. Đó là thời điểm tháng 11 năm ngoái, Trần Lập phát hiện ra căn bệnh ung thư quái ác.

Chương 3 hoàn thành từ chính những biến động lớn này, từ thực tế mà Thủy và cộng đồng fan hâm mộ Trần Lập chứng kiến hàng ngày. Nhưng chính vào thời điểm này, người ta mới thấy rõ hơn đằng sau một con người ngang tàng, phá cách là sự hết mình cho những niềm đam mê. Và với anh, mỗi thời điểm, mỗi thử thách đặt ra với bản thân tựa như cánh cửa lớn, nhiệm vụ là phải vượt qua.

Và Trần Lập chọn “Rong chơi” như một ẩn dụ về sự lạc quan, về sự hết mình để đạt đến đích cuối cùng. Cuốn sách khép lại, nhưng dư âm về một con người, một thần tượng âm nhạc dường như vẫn đâu đó trong tâm trí độc giả. Vâng, đời người ai chẳng một lần đứng trước cửa tử. Vấn đề người ta chọn cách đón nhận dự kiện này ra sao, như thế nào.

Căn bệnh ung thư, hành trình điều trị gian nan, đau đớn khiến Trần Lập ít còn cơ hội tiếp cận với mọi người, với thế giới bên ngoài cánh cửa. Nhưng những gì ở “Rong chơi” của anh ít nhiều đã tiếp thêm cho độc giả nghị lực sống mạnh mẽ, hết mình./.