Gọi điện cho Nguyễn Á thấy anh lúc nào cũng tất bật với những dự án, những kế hoạch. Anh thường bay ra Hà Nội nhưng xong công việc là trở về TP HCM ngay nên rất khó gặp. Sau nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng anh cũng dành cho cuộc trò chuyện nhân chuyến “tháp tùng” Nick Vujicic ra Hà Nội.

Nhân vật đã cho tôi cảm hứng để làm việc

PV: Sau hiệu ứng xã hội rộng khắp của triển lãm “Tâm và tài - họ là ai?” tại TP HCM và Hà Nội, anh vừa xuất bản tập 1 cuốn sách ảnh cùng tên. Anh có nghĩ cuốn sách ảnh “Tâm và tài - họ là ai?” sẽ gây được tiếng vang như triển lãm cùng tên anh tổ chức năm 2012?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á:Tôi tin chứ. Sau triển lãm ảnh “Tâm và tài - họ là ai?” năm 2012, trong vòng một năm nay tôi đã chụp bổ sung thêm 100 người. Nhân vật phong phú hơn, được chọn lọc kỹ càng đi kèm với lời giới thiệu xúc tích nhưng toát lên được những tinh hoa của nhân vật nên tôi tin rằng hiệu ứng xã hội chắn chắn sẽ tốt hơn. Khi ra mắt cuốn sách tại TP.HCM và Hà Nội, tôi đã mời những nhân vật có mặt trong cuốn sách đến và tặng sách cho họ. Họ đều hài lòng với sự lao động nghiêm túc của tôi. Cuốn sách in màu, bìa cứng, khổ 30cmx30cm, dày gần 800 trang, cân nặng hơn 5kg bán với giá 1.500.000 đồng/cuốn nhưng tình hình tiêu thụ sách khả quan. Điều này cho thấy mọi người đã ghi nhận công sức lao động của tôi.

nguyen%20a%201.jpg
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á

PV: Cuốn sách có sự xuất hiện của những nhân vật chính trị nổi tiếng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan... và cả những bậc hiền tài trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật, toán học, y học, ẩm thực, tôn giáo... Tiếp cận nhân vật thuộc lĩnh vực nào anh cảm thấy khó nhất?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á:Khó tiếp cận nhất là các nhân vật trong lĩnh vực quân sự, sau đó là y học. Tiếp cận những nhân vật trong lĩnh vực quân sự mình phải làm đủ mọi thủ tục, giấy tờ. Còn các vị bác sĩ thì bận rộn khủng khiếp. Mỗi khi đến gặp họ thường phải chờ đợi khá lâu. Tiếp cận với những nhân vật trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, tiếp cận với mỗi nhân vật thuộc những lĩnh vực khác nhau đều có những thú vị riêng. Các nhân vật trong bộ ảnh là những người tôi yêu mến, cảm phục họ ở cái tâm và cái tài. Họ đã cho tôi cảm hứng để làm việc. Có dịp tiếp xúc với những nhân vật xuất sắc, tôi đã học được nhiều điều từ họ. Đó là cái may mắn trong nghề.

PV:
Mỗi nhân vật, anh phải mất bao lâu để “dựng” chân dung về họ?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á:Mỗi nhân vật tôi phải chụp ít nhất từ 3-7 lần. Tôi thường canh những sự kiện quan trọng của nhân vật để đến chụp ảnh. Sau đó, tôi tiếp cận họ ở góc độ đời thường. Tôi không đi theo lối mòn của mọi người là chụp ảnh đơn hay ảnh chân dung mà tôi chụp nhân vật theo những câu chuyện. Điều này phán ánh được hơi thở của cuộc sống. Tôi muốn mọi người xem quyển sách ảnh này không chỉ yêu thích nhân vật trong bộ ảnh mà còn yêu thích cả nghề nhiếp ảnh.

PV:
Anh thường làm việc theo cảm xúc hay theo kế hoạch định sẵn?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á:Với những dự án lớn, mình phải đề ra kế hoạch và bám sát kế hoạch thì mới mới thành công. Tuy nhiên, cảm xúc cũng rất quan trọng. Có những cảm xúc bất chợt nảy sinh thôi thúc tôi xách máy ảnh lên đường. Ví dụ, trong những ngày Nick Vujicic ở Việt Nam, tôi luôn bám sát anh. Biết đâu sắp tới sẽ có cuộc triển lãm ảnh về anh chàng Nick Vujicic tại Việt Nam.

PV:
Đã hơn 20 năm trong nghề nhiếp ảnh, anh thấy chụp nhân vật dễ hay khó?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á:Tôi thấy dễ nếu mình chụp ảnh đơn, chụp chân dung. Còn chụp ảnh nhân vật theo câu chuyện rất khó. Chụp theo hình thức này đòi hỏi nhà nhiếp ảnh phải có độ chín trong nghề, phải biết tư duy, đầu tư có chiều sâu. Tôi may mắn có kinh nghiệm về báo chí nên chọn nhân vật rất chuẩn xác, biết cách thể hiện như thế nào để toát lên hồn cốt của nhân vật.

Triển lãm nào tôi cũng làm hết tâm huyết

PV:
Có thể nó Nguyễn Á đã dồn hết tâm huyết cho cuốn sách ảnh này?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á:Không chỉ cuốn sách này mà tôi làm triển lãm nào cũng dồn hết tâm huyết của mình vào đấy. Khi chụp ảnh nhân vật, mình phải đeo bám mới chớp được những khoảnh khắc đẹp. Những câu chuyện tôi kể qua những bức ảnh là những câu chuyện trung thực. Những bức ảnh tôi chụp nhân vật là ảnh thật 100%, không qua photoshop. Để thực hiện bộ ảnh “Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh”, tôi đã phải đeo bám các bạn trẻ 2 năm trời. Thực hiện bộ ảnh: “Họ đã sống như thế”, tôi cũng mất bằng đấy thời gian. Còn chụp hơn 400 nhân vật tôi cũng mất tới 4 năm trời. Công việc càng cực khổ thì mình càng thấy yêu và trân trọng nghề hơn.

PV:
Dường như anh làm ảnh dịch vụ, ảnh báo chí được bao nhiêu tiền lại “ném” hết cho niềm đam mê ảnh nghệ thuật?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Với sự lao động nghiêm túc trong nghệ thuật, những triển lãm của tôi dư sức xin được tài trợ. Nhiều nhân vật trong bộ ảnh cũng ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ về mặt tài chính để tôi có thể hoàn thành ý nguyện có ích cho xã hội. Tuy nhiên, từ khi cầm máy cho đến nay, tôi thấy hài lòng là mình chưa nhận tiền tài trợ của ai. Tôi đã làm ảnh dịch vụ, ảnh cưới được hơn 20 năm nay. Đó là nghề nuôi sống tôi và cho tôi có chút tích lũy để thể hiện niềm đam mê với ảnh nghệ thuật. Tôi thích làm việc độc lập, không bị lệ thuộc vào ai. Khi tôi tự chủ về tài chính, tôi không bị ai quản lý hay áp đặt điều gì trong quá trình thực hiện kế hoạch.

PV:
Liên tiếp cho ra đời những triển lãm lớn, tiêu biểu là triển lãm: “Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh” (2008), “Họ đã sống như thế” (2009) và “Tâm và tài, họ là ai”? (2012), vừa rồi là tập 1 bộ sách ảnh “Tâm và tài – Họ là ai”. Đã khi nào anh cảm thấy mệt mỏi vì cường độ làm việc cao như thế?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á:Nghề của tôi rất cực khổ nên không thể tránh khỏi có lúc mệt mỏi. Những lần đi Lai Châu chụp ảnh nhân vật đi bắt ma túy hay đi theo “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Văn Minh Tiến rượt bắt trộm cướp rất cực khổ. Nhân vật đi đâu mình đi đấy, nhân vật rượt bắt cướp mình cũng phải rượt theo, đôi khi rất nguy hiểm. Có lúc mình nghĩ tại sao mình phải cực khổ như vậy. Mình là nhà nhiếp ảnh chứ đâu phải là thám tử tư hay một tay paparazzi đâu. Tuy nhiên, tôi thấy mình đã đi đúng hướng. Tôi tin rằng mình làm việc nghiêm túc thì thành quả sẽ được công chúng ghi nhận. Mà thành quả được ghi nhận thì cực khổ mấy cũng sẽ vượt qua.

PV:
Anh dự định bao giờ ra mắt tập 2 cuốn sách?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á:Hiện giờ, tôi vẫn còn dư mấy chục nhân vật để cho vào tập 2 cuốn sách nhưng khó nói được cho đến khi nào tôi ra mắt tập 2 cuốn sách. Có thể là 2-3 năm, cũng có thể là 10 năm. Những người thực sự xuất sắc, tôi đã dồn hết vào tập 1. Cần phải có thời gian để tôi chọn lựa nhân vật. Trong tập 2, tôi sẽ ưu tiên cho các bạn trẻ.

PV:
Thế còn trước mắt anh có dự định thực hiện triển lãm về chủ đề gì?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á:Tôi đang có kế hoạch ra mắt triển lãm ảnh về Trường Sa. Tôi đã may mắn được ra Trường Sa 2 lần. Tôi muốn đi một vài lần nữa để có những câu chuyện về những con người và những quần đảo nơi đây. Qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước của dân tộc.       

PV:
Xin cảm ơn anh./.