Người hát “Tiếng đàn Ta-lư” nổi tiếng một thời - Nghệ sĩ nhân dân Tường Vi năm nay đã 75 tuổi. Chặng đường âm nhạc của bà gắn liền với những chương trình, buổi biểu diễn, mang tiếng hát đến với đồng bào, chiến sĩ khắp mọi miền tổ quốc từ trong khói lửa chiến tranh đến những ngày hòa bình độc lập. Bà luôn nghĩ rằng, được hát cho Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe là điều vô cùng may mắn và vinh dự.
tuongvi1.jpg
NSND Tường Vi và các cháu ở trung tâm nghệ thuật tình thương đến thăm Đại tướng tại nhà riêng

PV: Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng tài được cả thế giới ngưỡng mộ, khâm phục mà còn là một con người có tâm hồn lớn. NSND Tường Vi có thể chia sẻ một vài kỉ niệm của bà với Đại tướng?

NSND Tường Vi: Chúng tôi yêu quý Đại tướng như một người anh Cả trong quân đội nhưng đồng thời cũng là một người có tâm hồn nghệ sĩ. Ngoài công việc lớn lao của mình, Đại tướng cũng dành thời gian tiếp khách nước ngoài và… nhảy một vài điệu Valse. Đại tướng cũng chịu khó tập đàn Piano. Cụ không chỉ chơi một vài bài nhẹ nhàng rồi thôi mà lại thích học cơ bản, luyện ngón, luyện tay và chơi một số bài nhẹ, tình cảm, những bài dân ca được biên soạn lại.

Hôm đó, tôi và một vài người kĩ sư đến để lên dây đàn cho ông. Khi chữa xong rồi, chúng tôi đặt đàn tại vị trí ngày xưa ông từng đánh, tại phòng khách tầng 1. Ông rất vui và ngồi đánh đàn như lâu lắm rồi không được chơi đàn vậy. Ông đánh mấy bài dân ca như: “Trống Cơm”, “Trèo lên quán dốc”, “Bèo dạt mây trôi”… rất say sưa. Tôi thấy mắt ông sáng lên một niềm vui. Trông lúc đó ông rất đẹp. Nghe một vị tướng đánh đàn, một người lẫy lừng thế giới, một nhà quân sự tài ba lại có một tâm hồn nghệ sĩ làm tôi cảm động và càng yêu quý "anh Văn" hơn.

PV: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lần nào đệm đàn cho NSND Tường Vi hát?

NSND Tường Vi: Có một lần đến nhà Đại tướng, khi đó ông đang tập một chương “Đấu kiếm” trong tác phẩm của nhạc sĩ Nga. Ông hỏi: “Dạo này Tường Vi biểu diễn bài gì?”. Tôi bảo: “Em hát bài “Tiếng đàn Ta-lư”, “Bế Văn Đàn”, “Cô gái vót chông”, “Người lái đò trên sông Pô-kô”… Tôi mới hát một câu: “Bế Văn Đàn ơi, mười năm qua anh vẫn còn sống mãi”. Đại tướng đệm đàn theo, dò dò gam và tôi bảo “em hát son thứ”. Đại tướng cũng lướt lướt theo và tôi hát bài “Bế Văn Đàn”. Lúc đó trông Đại tướng rất vui.

PV: Đại tướng với âm nhạc là như vậy. Thế còn trong cuộc sống đời thường thì sao, thưa NSND Tường Vi?

NSND Tường Vi: Vừa là một vị chỉ huy lỗi lạc nhưng Đại tướng lại vừa là một nhà tâm lý, nhà giáo và nhà văn hóa lớn. Ông kết hợp được hiện đại và dân tộc. Trong cuộc sống, tâm hồn ông lại rất dịu dàng, nhân hậu, thích trẻ con và rất chăm sóc đến lớp trẻ sau này.

Nhiều lần tôi đi biểu diễn ở các chốt, ở vùng biên cương về thì Đại tướng có hỏi thăm: “Em thấy bộ đội sống trên chốt thế nào?”. Có một lần tôi kể cho Đại tướng nghe: “Em lên chốt 800, rất cao.  Anh em bộ đội sống cũng có nước, cũng tốt nhưng về đời sống văn hóa thì tội lắm. Em thấy có mỗi cái sáo trúc và hai cây đàn Măng-đô-lin đứt dây”. Đại tướng cảm động và nói, cái này phải nói với phòng văn nghệ, phòng tuyên huấn để anh em có thêm sách, thêm nhạc cụ. Đó là những điều rất cụ thể để thấy Đại tướng rất chăm lo đến đời sống của chiến sĩ.

PV: NSND Tường Vi có thể chia sẻ những lời dặn dò của Đại tướng khi đến thăm mọi người, thăm “Trung tâm nghệ thuật tình thương” của bà và anh em nghệ sĩ?

NSND Tường Vi: Đại tướng và phu nhân - chúng tôi thường gọi là "anh Văn" và chị Hà. Sau khi nghỉ hưu, chúng tôi tập hợp lực lượng những nghệ sĩ trong quân đội cũng khá đông. Mỗi khi đến thăm, Đại tướng đều nói: “Cựu chiến binh Việt Nam nghỉ hưu, hưu nhưng không nghỉ. Các em cố gắng phát huy truyền thống của người sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là truyền thống âm nhạc cách mạng, trữ tình nhưng hiện đại, cố gắng giữ gìn dòng âm nhạc truyền thống để giáo dục cho lớp trẻ”.

Hiện nay, chúng tôi có một tổ chức của những cựu chiến binh và chương trình “Hát mãi với thời gian”. Chúng tôi đi diễn ở các nhà trường để góp phần cùng với các thầy cô giáo giáo dục lòng nhân ái trong thanh thiếu niên học đường. Nghe lời dạy của Đại tướng, chúng tôi cố gắng sáng tạo, phát huy những tác phẩm đã có dấu ấn trong lịch sử, những bài hát về Bác, về Tổ quốc, về mẹ thân yêu.

PV: Xin cảm ơn NSND Tường Vi./.