Cả cuộc đời sáng tác duy nhất một bài thơ là về Bác

- Xin chào NSND Thu Hiền! Nhắc đến những nghệ sĩ hát về Bác thì khán giả nghĩ ngay đến chị với “Trông cây lại nhớ đến Người”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”… Từ khi nào chị đã bắt đầu hát những ca khúc về Bác?

- Lần đầu tiên tôi được nghe ca khúc về Bác Hồ chính là ngày Bác mất - năm 1969. Lúc đấy tôi đang trong tuyến lửa Vĩnh Linh, đường 9, được nghe chị Song Thao hát bài “Trông cây lại nhớ đến Người” và bài “Người là niềm tin tất thắng” do chị Bích Liên hát mà khóc ròng. Nghe tin Bác mất đã khóc rồi, nhưng nghe bài hát đó càng thêm nức nở. Từ đó tôi yêu những giai điệu về Bác.

Và ca khúc đầu tiên tôi hát về Bác cũng chính là “Trông cây lại nhớ đến Người”. Tôi “bắt chước” chị Song Thao nhưng có một điểm đặc biệt là tôi được hát trực tiếp cho các chiến sĩ, những người lính hát ở chiến trường nghe chứ không phải qua phát thanh. Và ở mảnh đất Quảng Trị đầy khói lửa, lúc ra mắt Chính phủ cách mạng lâm thời năm 1972 tại Đông Hà, tôi đã hát ca khúc này. Hát về Bác đã trở thành cái duyên đối với tôi, mặc dù tôi chưa một lần được gặp Bác.

nsnd_thu_hien_3_15580940433861078070864_xype.jpg
NSND Thu Hiền

- Năm đó chị còn khá trẻ, lại chưa qua đào tạo âm nhạc. Chị có gặp khó khăn gì khi hát không?

- Đúng là ngày đó tôi học sân khấu, ca kịch chứ không phải thanh nhạc để đơn ca. Tôi không được đào tạo qua trường lớp nào nên hát rất tự nhiên, bộc phát, vì vậy nhiều lần vừa hát giọng cao, vừa hát “lào khào” trong cổ họng. “Micro” chủ yếu là ống bơ, ống sữa… có thể tạo ra tiếng vang. Còn nhớ năm 1972, tôi đứng ở một bên của sông Thạch Hãn hát sang bên Thành cổ Quảng Trị. Lúc đó tôi hát bằng loa bóp. Cứ bóp loa thì lại quên hát mà hát lại quên bóp khiến một chính trị viên phải đứng bên để nhắc: Bóp - hát. Đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên ở bên sông Thạch Hãn.

- Được biết không chỉ ghi dấu ấn với những ca khúc về Bác Hồ, chị còn sáng tác thơ về vị cha già dân tộc?

- Nếu nói tôi có những sáng tác thơ về Bác thì không đúng lắm. Ngày Bác mất, đang ở rừng, tôi xúc động làm một bài thơ. Đó là bài thơ duy nhất trong cuộc đời của tôi. Bài thơ khá dài nhưng tôi nhớ nhất 4 câu: “Kìa dải băng đen đã quấn quanh cờ/ Con chết lặng với bao hàng nước mắt/ 31 triệu chúng con xin xiết chặt/ Biến đau thương thành sức mạnh thần kỳ …”.

- Gần 60 năm hát về Bác Hồ, chị có kỷ niệm nào đặc biệt ấn tượng không bao giờ quên không?

- Ca khúc về Bác rất hay nhưng không dễ hát. Tôi cũng không nhớ được đã hát bao nhiêu ca khúc về Hồ Chủ tịch. Với tôi, mỗi khi hát, điều đầu tiên là thể hiện sự tôn kính Bác. Ca khúc về Bác trải dài qua nhiều vùng miền, nhiều giai đoạn lịch sử. Tôi tìm ra những nét khác nhau để thể hiện cho phù hợp với tinh thần mỗi ca khúc.

Trong kháng chiến, tôi có quá nhiều kỷ niệm, chẳng biết bắt đầu kể từ đâu nhưng đó là chất liệu để làm nên xúc cảm biểu diễn cho tôi. Ngày đi văn công, tôi có được học, đào tạo qua trường lớp nào đâu nên có lúc hát bị hụt hơi. Có nhiều lúc biểu diễn ở rừng, xúc động không lên được nốt cao, vừa khóc vừa cười bảo cao quá em không lên được. Mọi người lại vỗ tay rầm rầm động viên tôi hát lại từ đầu.

Còn thời bình, cách đây hơn 20 năm, tôi không thể nào quên lần hát ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của nhạc sĩ Trần Hoàn ở Hội trường Ba Đình. Tôi đứng trên sân khấu vừa hát vừa khóc, còn con gái múa minh họa. Dưới khán phòng, mọi người cũng rơi nước mắt. Chính tấm lòng trân trọng và thương nhớ Bác Hồ đã khiến mọi người chung tình cảm xúc động như thế.

- Cuộc đời cách mạng của Bác gắn liền với núi rừng, chị có từng lên những nơi đó biểu diễn không?

- Có chứ. Tôi đã từng lên hang Pác Bó biểu diễn. Tôi cũng là người đầu tiên thu ca khúc “Suối Lê Nin” tại đây. Còn nhớ năm 1979 tôi lần đầu lên Cao Bằng, trên lưng cõng con gái lúc đó còn ngọng líu ngọng lô vào tận hang biểu diễn cho bộ đội. Chúng tôi vừa biểu diễn, vừa trong tư thế sẵn sàng chạy bom.

NSND Thu Hiền và Trung Đức song ca. Ảnh: TL

Hát ca khúc về Bác, yêu cầu lớn nhất là cảm xúc

- Có phải vì những tình cảm sâu sắc như thế nên cách đây hơn 10 năm, chị là người đầu tiên sản xuất một album về Bác Hồ nhân kỷ niệm ngày sinh của Người?

- Đúng vậy. Vì những năm tháng bom đạn thiếu thốn nên năm 2007 nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, tôi ra riêng một album tuyển tập ca khúc về Người. Mở đầu album là “Từ làng sen”, kết là “Bài ca dâng Bác”. Tôi rất tự hào vì mình còn sức để cống hiến cho đất nước, truyền lửa cho thế hệ trẻ.

Tôi không nhận mình là người hát hay nhất những ca khúc về Bác Hồ vì bài hát về Bác rất hay nhưng không dễ hát. Với tôi, mỗi khi hát, điều đầu tiên là thể hiện sự tôn kính về Bác. Ca khúc về Bác trải dài qua nhiều vùng miền, nhiều giai đoạn và tương ứng với đó tôi tìm ra những nét khác nhau để thể hiện cho phù hợp với tinh thần ca khúc. Tuy nhiên, điểm chung của những bài hát về Bác là cái hồn dân tộc, rất mộc mạc, sâu lắng. Kể cả khi mình thể hiện những bài hát theo cách chuyên nghiệp thì cũng không thể điệu đàng hay cần phô diễn kỹ thuật quá.

- Năm xưa hát trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn và bây giờ đứng hát trên sân khấu với ánh đèn lấp lánh, sự khác nhau ấy đem lại cho chị cảm xúc thế nào?

- Cảm xúc thì không thay đổi nhưng bây giờ biểu diễn tôi thấy rất lo, run, áp lực. Vì ngày xưa giọng mình không cần những công cụ hỗ trợ hiện đại mà vẫn lên được, còn bây giờ cập nhật nhiều thứ quá hiện đại, mình chỉ cần hết hơi là cũng bị thu vào micro (cười).

Ngày xưa mọi người nghe bằng cảm xúc, còn bây giờ khán giả nghe bằng sự tinh tế nên phải giữ giọng. Trước mỗi lần biểu diễn tôi phải giữ giọng cả tuần liền đấy.

- Âm nhạc về Bác không phải ai cũng hát được. Chị nghĩ khó khăn nhất của những ca khúc này là gì?

- Hát về Bác thì điều quan trọng nhất chính là xúc cảm. Mỗi ca sĩ sẽ có cảm xúc khác nhau. Hát hay là một chuyện, nhưng hát xúc động lại là chuyện khác. Câu chuyện về cuộc đời Bác gây xúc động cho bất kỳ ai. Nhưng để trở thành tác phẩm âm nhạc có sức lay động lòng người, đòi hỏi nghệ sĩ phải lao động nghệ thuật không ít.

Khi viết về Bác Hồ, các nhạc sĩ cũng thường lấy chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh, quê hương của Người, nên giai điệu ngọt ngào và đầy xúc cảm. Đó là các ca khúc không chỉ được tạo nên bằng lời ca, điệu nhạc mà bằng tất cả trái tim…. Theo tôi, điểm chung của những bài về Bác Hồ là cái hồn dân tộc trữ tình và sâu lắng. Vì vậy, thể hiện các ca khúc này không thể điệu đàng hay phô diễn kỹ thuật.

- Nhiều ca sĩ trẻ hiện nay cũng hát, ra MV, album về Bác… chị đánh giá những sản phẩm âm nhạc này ra sao?

- Tôi không đánh giá thế hệ trước hay sau vì mỗi thế hệ có cái hay riêng. Thế hệ sau như: Anh Thơ, Trọng Tấn, Đăng Dương… được đào tạo chính quy bài bản nên đã khẳng định được bản thân, được công chúng ghi nhận. Các em không chỉ giữ được lửa, hơi thở mà còn sáng tạo được chất riêng, dấu ấn riêng.

Tôi không mong thế hệ sau cứ miệt mài đi theo một hình mẫu, thế hệ nào cũng sản xuất các ca sĩ một màu thì lại không được. Học trò của tôi không có ai “bắt chước” tôi. Duy chỉ có Phương Thảo thời gian đầu cũng có ảnh hưởng đôi chút, nhưng sau đó Thảo bắt cái hồn và có cách xử lý riêng. Các ca sĩ trẻ như: Tân Nhàn, Phương Thảo, Bích Hồng… đều đã hát những ca khúc về Bác khá ấn tượng, thậm chí ra cả album. Tôi đánh giá cao thế hệ trẻ!

- Cảm ơn chia sẻ của NSND Thu Hiền!