Dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của nhạc trưởng Đặng Châu Anh, Đoàn hợp xướng Sol Art tham dự Liên hoan Hợp xướng Quốc tế Johannes Brahms lần thứ 8 tại Wernigeroder (Đức) từ ngày 17 - 21/7/2013 đã giành HCV tại bảng thi dân gian và giải “Công chúng yêu thích nhất”.

Không phải thế mạnh, nhưng có quyết tâm vẫn thắng lớn!

PV: Giải thưởng đoạt được năm nay có làm chị bất ngờ không?

Nhạc trưởng Đặng Châu Anh: Sự bất ngờ đã xảy ra từ năm 2011. Khi đó, Đoàn hợp xướng Sol Art đi thi mà không nghĩ rằng có thể đoạt HCV, trước đó mới chỉ đoạt HCĐ, HCB (tại sân nhà). Giải thưởng năm nay tuy không bất ngờ nhưng trước khi đi thi, Châu Anh cũng không dám tin đoàn lại đoạt HCV lần nữa và điều bất ngờ rơi vào giải “Công chúng yêu thích nhất”.

chau%20anh123.jpg
Nhạc trưởng Đặng Châu Anh

Đây là một kỳ tích. Chính BTC và báo địa phương cho biết, hiếm đoàn nào hai lần liên tiếp đoạt được giải thưởng “Công chúng yêu thích nhất”, trong khi Việt Nam chưa có bề dày thành tích về hợp xướng, hoạt động nghệ thuật hợp xướng chưa phải là hoạt động phổ thông như các nước khác. PV: Sol Art đã luyện bao lâu để tham dự cuộc thi?Nhạc trưởng Đặng Châu Anh: Trong khi đoàn hợp xướng của các nước tham dự cuộc thi luyện tập hàng ngày thì đội hình của Sol Art đi thi đấu quốc tế đến sát nút mới được thành lập. Năm 2013, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, không xin được tài trợ, chúng tôi phải nhờ đến sự ủng hộ của phụ huynh. Một số giọng hát xuất sắc không thể tham dự vì điều kiện kinh tế gia đình. Do đó, đội hình đi thi chưa phải là đội hình mạnh nhất, lại khá mỏng và lổn nhổn. Nhưng Châu Anh đã tập trung khai thác những điểm mạnh là nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam, sự dung dị, hồn hậu của con người Việt Nam, nụ cười lấp lánh, sự duyên dáng, dí dỏm của các em.PV: Những giải thưởng đạt được có làm cho chị nghĩ rằng: cần phải đầu tư cho đoàn hợp xướng của mình một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn để đoạt được những giải thưởng quốc tế cao hơn? 

Nhạc trưởng Đặng Châu Anh: Những giải thưởng đoạt được trong những năm gần đây khiến phụ huynh và các em học sinh hiểu hơn về hợp xướng. Tuy nhiên, phụ huynh mới hiểu rằng, với bảng thành tích đạt được sẽ rất tốt cho hành trang du học của con em họ sau này. Phụ huynh chưa biết rằng những gì con em mình nhận được còn nhiều hơn thế: con họ sẽ học hỏi được nhiều điều từ thế giới rộng lớn thông qua những chuyến du ca, được mở mang văn hóa, lịch sử của các nước; rèn luyện lòng tự tôn dân tộc, ý thức tập thể...

Truyền thông của mình chưa tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu được hợp xướng có tác động tốt như thế nào đối với cuộc sống con người. Đây là sinh hoạt văn hóa tinh thần vô cùng cần thiết để kết nối cộng đồng, rèn luyện các kỹ năng cho tuổi trẻ. Chỉ khi nào mọi người hiểu đúng về hợp xướng, Châu Anh mới có đội quân đông đảo để có thể thỏa sức lựa chọn tạo ra đội hình mạnh, lập nên những kỳ tích mới như mình mơ ước.

PV: Thời gian tới chị sẽ khắc phục điều này như thế nào?

Nhạc trưởng Đặng Châu Anh:Sẽ có những tác phẩm đặt riêng để tạo điểm nhấn, tạo không gian, khai thác được triệt để yếu tố dân gian đặc sắc của Việt Nam. Tác phẩm sẽ có bè dành cho giọng tốt và bè dành cho giọng kém ở phần dễ hát. Ý tưởng dàn dựng cũng phải tạo ra nét đặc sắc, mới lạ. Bên cạnh đó, Châu Anh sẽ tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ để các em coi đây là cuộc chơi, trình diễn với sự hồn nhiên, đáng yêu nhất, nụ cười luôn nở trên môi.

Hợp xướng "Chặt gỗ đóng thuyền" do dàn hợp xướng Trung tâm nghệ thuật Sol Art trình bày trong chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Trung "Láng giềng gần".
PV: Bảng thành tích mà Sol Art đạt được có thể coi là cột mốc đánh dấu sự thành công bước đầu của thể loại hợp xướng của Việt Nam?

Nhạc trưởng Đặng Châu Anh: Năm 2011, khi đoàn hợp xướng Sol Art đoạt HCV bảng dân gian cộng thêm 2 giải đặc biệt nữa là giải “Công chúng yêu thích nhất” và giải trình diễn xuất sắc nhất có thể coi là cột mốc, bởi trước đó chưa bao giờ hợp xướng Việt Nam đoạt được giải thưởng cao như vậy trên đấu trường quốc tế. Năm nay là một kỳ tích khác, đó là việc lần thứ 2 liên tiếp đoạt giải “Công chúng yêu thích nhất”.

PV: 10 năm nỗ lực đưa hợp xướng đến gần với khán giả, so với thời điểm mới bắt đầu bước vào nghề, Đặng Châu Anh thấy hợp xướng Việt Nam có gì thay đổi?

Nhạc trưởng Đặng Châu Anh: Thay đổi nhiều chứ! Trước đây, Việt Nam đã từng có đoàn hợp xướng chất lượng nhưng do khó khăn về kinh tế nên chúng ta chưa đưa được đoàn hợp xướng ra nước ngoài biểu diễn, thi thố. Khoảng 5-7 năm nay, hợp xướng có sự khởi sắc. Việt Nam bắt đầu đưa hợp xướng ra thế giới, mở đầu là dàn hợp xướng thiếu nhi của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của anh Phạm Hồng Hà đi thi đấu quốc tế, đã giành HCB. Khi đó, Châu Anh nhận thấy tại sao mình không đi theo hướng đó để đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Chúng tôi đã làm cho mọi người thấy rằng, mặc dù hợp xướng không phải là thế mạnh của Việt Nam nhưng khi có quyết tâm, có chiến thuật tốt, chúng ta có thể làm rạng danh Việt Nam.

Đặng Châu Anh và dàn hợp xướng Sol Art

Hãy giúp các em khám phá điểm mạnh của bản thân

PV: Hiện đang làm giám đốc nghệ thuật tại Trung tâm Nghệ thuật Sol Art với mong muốn tạo cơ hội cho thế hệ trẻ được tiếp cận với các môn nghệ thuật, phát triển trí tuệ, ngôn ngữ một cách tự nhiên, đây có phải là cách để Châu Anh dần dần đưa nghệ thuật hàn lâm đến với công chúng?

Nhạc trưởng Đặng Châu Anh: Vâng, đó là một cách xã hội hóa âm nhạc thính phòng giao hưởng. Khi đưa văn hóa Việt Nam ra quốc tế, được các bạn nước ngoài yêu mến thì khán giả trong nước sẽ chú ý hơn đến loại hình nghệ thuật này. Châu Anh cũng kỳ vọng là thông qua các phương tiện truyền thông, nhiều người biết được những giải thưởng Sol Art đạt được, hiểu biết hơn về hợp xướng, rằng đây là hoạt động cộng đồng rèn cho con người kỹ năng kết nối với xã hội, tạo cho con người những phút giây thư giãn bằng âm nhạc, niềm vui sống để có thể lạc quan, yêu thương nhau hơn... Từ đó, Châu Anh có thể triển khai hợp xướng rộng khắp ở các trường phổ thông, thậm chí các nhà văn hóa, bệnh viện, công sở...

PV: Năm lên 10 tuổi, Châu Anh đã bước chân vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.Từ lúc 15, Châu Anh sống trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, học piano, lý luận âm nhạc và cả chỉ huy hợp xướng. Châu Anh có thấy tuổi thơ của mình bị “đánh cắp”?

Nhạc trưởng Đặng Châu Anh: Tuổi thơ của Châu Anh trôi qua khá buồn. Tính cách Châu Anh nhút nhát, học hành làng nhàng, lẹt đẹt; ngoại hình vừa đen vừa nhỏ con. Tất cả những điều đó làm cho Châu Anh thiếu tự tin. Hồi đó, bố mẹ Châu Anh bận rộn, đi làm suốt ngày, Châu Anh chỉ loanh quanh ở nhà, rất ít bạn, chỉ biết làm bạn với âm nhạc. Châu Anh học piano không giỏi nên lớn quyết định chuyển sang học lý luận âm nhạc và ở đó Châu Anh tìm thấy chính mình. Châu Anh đã tốt nghiệp xuất sắc và được giữ lại trường. Khi tìm ra giá trị của bản thân, Châu Anh mới có sự tự tin và tự tin là chìa khóa mở ra thành công.

PV: Có phải vì thế mà Châu Anh đã thành lập Trung tâm Nghệ thuật Sol Art đào tạo nhiều bộ môn nghệ thuật dành cho các em nhỏ?

Nhạc trưởng Đặng Châu Anh: Trung tâm nghệ thuật Sol Art dành cho các bé có khả năng về âm nhạc và cả cả cho các bé không có khả năng về âm nhạc, nhút nhát, thậm chí có những bạn tự kỉ. Sol Art đưa các bạn nhỏ đến với âm nhạc, lấy âm nhạc làm niềm vui, tạo cho các bạn những phút giây thư giãn, giúp các bạn tự tin, tìm thấy giá trị bản thân. Không phải đến với âm nhạc các bạn sẽ thành siêu sao nhưng các bạn có thể dùng âm nhạc để kết nối với xã hội.

Châu Anh cũng mong các vị phụ huynh hãy trao cho các em nhiều cơ hội để các em nếu không giỏi về âm nhạc sẽ giỏi vẽ; nếu không giỏi vẽ sẽ giỏi múa; không giỏi múa sẽ giỏi diễn thuyết; không giỏi diễn thuyết thì có một trái tim nhạy cảm hiểu con người để có thể trở thành người viết sách... Hãy cố khai thác một điểm mạnh nào đó của mỗi em để các em thấy mình có giá trị, khi đó các em sẽ đi theo điểm mạnh của mình để gặt hái được thành công

PV: Cảm ơn nhạc trưởng Đặng Châu Anh./.