Phỏng vấn nhà văn DiLi về chủ đề tình yêu thật là không phải với chị, có điều gì đó không đúng dịp. Bởi lẽ chị vừa mới trải qua cái kết không mấy may mắn trong hôn nhân: li dị. Nhưng với DiLi, chị đón nhận điều đó như một lẽ thường tình tự nhiên. Thay vì khổ đau và vật vã, cô muốn mình phải luôn xinh đẹp, hay mỉm cười để thoát nhanh nhất khỏi những ý nghĩ ám ảnh về những đổ vỡ.
PV: Li hôn có phải là cách giải thoát tốt nhất cho những mâu thuẫn trong hôn nhân không, thưa nhà văn DiLi?
Nhà văn DiLi: Tôi từng gặp quá nhiều người bạn than thở về một gia đình bi kịch, nhưng họ không dám thay đổi nó. Có thể họ không đủ tài chính nên chưa biết xoay sở thế nào. Cũng có thể họ sợ dư luận dị nghị, họ sợ cha mẹ họ mắng, họ sợ bước chân ra khỏi nhà rồi chả biết có tìm được ai nữa không hay cứ thế mà cô độc nheo nhóc đến hết cả đời.
Họ sợ làm lại lần nữa rồi không biết liệu có nên thân hay tiếp tục đi vào vết xe đổ. Họ sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp đang lên. Họ sợ cô đơn vì đã quen nhìn thấy bóng người qua lại trong nhà – dù cái bóng ấy đúng thực là một cái bóng. Tóm lại họ sợ một nghìn thứ. Và họ nại ra một nghìn lý do để tự an ủi lòng mình.
Có biết bao cặp đôi sống mòn như hai cái bóng bên nhau đến hết đời? Mới đây, một người bạn của tôi, viết Facebook chia sẻ chuyện ông anh rể mình bỗng dưng đột tử, lại trong lúc đang chờ giấy ly hôn. Mà ông anh ấy đã 70 tuổi, còn bà chị cũng 64 rồi. Độc giả vào bình luận rằng sao đến tuổi ấy không cố nốt mà còn làm thế. Tôi cũng có cô bạn thân mà cha mẹ một mực đòi ly hôn. Họ cũng xấp xỉ 70 rồi. Mới đầu tôi cũng nói giống cư dân mạng: Thôi tuổi ấy rồi thì sống nốt đi cho xong chớ sao. Bạn bảo: Nhưng không chịu được ấy chớ, cứ nhìn thấy mặt nhau là tức. - Thì bảo ăn riêng ra. – Vẫn ăn riêng rồi, nhưng đi ra đi vào đụng mặt nhau cứ tức anh ách, cả hai cụ đều không chịu nổi nhau thêm một giờ nào nữa.
PV: Sau ly hôn, phụ nữ thường tìm kiếm điều gì?
Nhà văn DiLi: Tất cả những người phụ nữ đã ly dị là bạn tôi, tôi đều thấy họ hạnh phúc và viên mãn hơn. Có thể họ không viên mãn hơn những người phụ nữ có đời sống hôn nhân viên mãn (nhưng mà số này ít lắm, đếm trên đầu ngón tay thôi), nhưng họ hạnh phúc hơn chính họ trước đây. Họ xinh đẹp ra vì có nhiều thời gian chăm sóc cho bản thân mình. Họ trẻ hẳn ra vì không phải suy nghĩ, căng thẳng và buồn bã. Họ thăng tiến và kiếm được nhiều tiền vì được dành toàn bộ thời gian cho sự nghiệp, cái thời gian mà trước đây họ phải dành cho một ông chồng không còn yêu họ với những sự bếp núc, bươn chải, phụng dưỡng nhà chồng và cả thời gian mất ngủ vì buồn bực nữa.
PV: Theo chị, đàn ông hay đàn bà có lỗi nhiều hơn trong mỗi cuộc ly dị?
Nhà văn DiLi: Theo số liệu thống kê ở nhiều nước, 70% người đâm đơn ly dị là phụ nữ. Vậy lỗi có thể do đàn ông nhiều hơn chăng? Phụ nữ với đặc thù về giới luôn hy sinh tất cả cho tình yêu và gia đình. Nhưng đàn ông thì không vậy. Họ có nhiều mối quan tâm hơn là gia đình như danh vọng, sự nghiệp, tiền bạc, bạn bè, các thú vui giải trí, và cả những người đàn bà khác nữa chẳng hạn. Như vậy thì nếu không khéo léo, sẽ có rất nhiều cuộc hôn nhân sẽ lúc nào cũng ở sự chênh vênh nếu đôi bên không cùng thấu hiểu lẫn nhau.
DiLi cho rằng cô là người không có văn hóa Valentine hay Giáng sinh. |
PV: Chị dùng từ “khéo léo”, sự “khéo léo” có phải được hiểu rằng người đàn ông phải biết khéo kéo trong viêc gìn giữ bí mật? Có câu “Những gì mắt không thấy thì tim không đau” hay “Sự thủy chung cơ bản nằm ở sự kín đáo”, phụ nữ có nên chấp nhận bản năng đa tình của đàn ông để giữ ấm gia đình? Sự bao dung của phụ nữ thời nay có nên áp dụng trong vấn đề chồng họ ngoại tình không?
Nhà văn DiLi: Tôi không nghĩ thế. Sự phản bội trong hôn nhân luôn có vết đau. Tôi nghĩ khi người ta đã đụng đến sự phản bội là sự bất cần rồi, là chẳng còn gì để mất nữa hoặc muốn ra sao thì ra. Hoặc là bất cần, hoặc là người ta biết chắc chắn người kia có biết thì vẫn tha thứ hoặc chấp nhận. Nhìn chung, tùy vào mức độ, còn thì nếu một trong hai người đã có mối quan hệ bên ngoài đến mức có thâm niên thì tôi không thể nghĩ rằng cuộc hôn nhân đó hạnh phúc được.
Ứng xử thế nào là tùy vào mỗi người thôi. Tôi thì vẫn nghĩ rằng tình yêu là thiêng liêng, thuần khiết. Nếu người nào đó phản bội tôi thì tôi cũng chẳng oán trách gì mà nghĩ rằng (giống như lời nhạc sĩ Phú Quang mà tôi từng đọc được trên báo): “Hoặc cái người này không xứng đáng để mình yêu, hoặc mình không xứng đáng để người ta yêu”. Cách nào cũng tệ như nhau. Còn hiện tượng thì là như thế nhưng nó còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, tư duy, tính cách, nhận thức của mỗi người. Nên chẳng ai có thể có chung một đáp số được.
PV: Đàn ông Việt hình như vẫn ngại phụ nữ thông minh và cá tính. Họ vẫn thích cưới một cô gái "gọi dạ nói thưa" để làm vợ, chị có nghĩ vậy?
Nhà văn DiLi: Cũng có nhiều ông tự khẳng định điều đó luôn. Họ bảo rằng cưới một cô vợ khôn quá mệt đầu lắm (cười). Nhưng tôi thì cho rằng sự thông minh, cá tính không bằng cái sự tinh tế, thấu hiểu lẫn nhau. Hãy thử tưởng tượng một đôi vợ chồng mà người này chưa nói người kia đã hiểu thì cuộc sống sẽ thiên đường như thế nào. Cái đó người ta gọi là tri kỷ.
PV: Dám giải thoát khỏi một cuộc hôn nhân thất bại, đó có phải là sự dũng cảm?
Nhà văn DiLi: Dũng cảm chứ. Tôi có cô bạn cứ rập rình mãi không dám làm, và thú nhận rằng mình sợ. Thử nghĩ xem mấy chục năm ròng ta có một thói quen thâm căn cố đế, giờ bỏ đi có được không. Nhiều khi tôi bảo họ, họ nhầm lẫn tình yêu với thói quen thì đúng hơn. Giống như ta đã dùng một đồ vật gì quá lâu năm, dùng cả nửa đời người rồi, đến một ngày bảo bạn đứng trên ban công mà thả tõm nó xuống hồ đi, vì đằng nào bạn cũng có dùng nó nữa đâu. Chưa chắc đã đủ can đảm đâu. Đến đồ vật mà còn thế, huống chi con người. Rồi còn lý do tài chính, áp lực của gia đình nữa chứ. Rất nhiều thứ cản trở người phụ nữ tự vượt qua khỏi cái ải mà họ cũng góp phần dựng lên.
PV: Phụ nữ vừa mới quay lại thời kỳ độc thân như chị sẽ nghĩ gì về ngày Valentine?
Nhà văn DiLi: Tôi không có văn hóa Valentine hay Giáng sinh. Nếu yêu nhau, ngày nào người ta cũng nên bày tỏ tình cảm và có thể tặng hoa, chocolate vào bất cứ dịp nào chứ không nhất thiết phải ngày lễ. Tặng ngày lễ nó mất cái tính bất ngờ đi, bởi thế nào người kia cũng chắc mẩm là sẽ có quà rồi, quà mà không có hoặc có mà không như ý rồi sẽ lại so sánh nhà người nọ, người kia tâm lý hơn nhà mình.
PV: Cám ơn nhà văn DiLi./.