Ở tuổi 83, chất hồn nhiên vẫn hiện hữu trên khuôn mặt, trong tiếng nói của một cụ ông say mê nhiếp ảnh. Chụp ảnh Hà Nội với bao chuyện buồn, vui, suy tư, say đắm, người nghệ sĩ đường phố Quang Phùng đang ngày ngày kể câu chuyện đời thường một cách thẳng thắn nhất với con mắt của một người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này.

Những bức ảnh từ cuộc sống thường nhật của ông luôn đẹp, luôn gửi gắm cho cuộc đời này những suy tư, với mục đích cuối cùng là góp thêm tiếng nói cho cuộc đời đẹp hơn. Nhà nhiếp ảnh đường phố, “người đi xuyên thời gian” ấy xứng đáng được vinh danh một lần nữa với Giải thưởng Lớn vì tình yêu Hà Nội (Giải thưởng Bùi Xuân Phái).

Ngôi nhà của hai vợ chồng nhà nhiếp ảnh Quang Phùng nằm im lìm, nhỏ nhắn trong một con ngõ ở trung tâm Hà Nội. Ông khoe với tôi hơn 100 bức ảnh mới in, vừa chụp xong trong tháng 8. Có lẽ ấn tượng lớn nhất với bất cứ ai đặt chân đến ngôi nhà nhỏ bé này là sự thoải mái, được ông lật giở từng trang ảnh rồi kể chuyện. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một trạng thái đời thường.

img_2208.jpg
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng. (ảnh: P.T)

Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng tâm sự về chuyện nghề: “Cây vông này làm nền cho tháp Bút 7 năm nay rồi. Chỗ này là định để trồng cái cây mà 7 năm nay vẫn chưa làm được. Tại sao lại chậm trễ thế. Thế thì tôi phải đợi một hôm trời mưa, vắng người thì mới nổi chủ đề của mình lên được.”

“Còn cây lộc vừng, tôi phải tìm được một nụ hoa ở một cái phông gợi cảm, chứ không thể rối rít lên được. Khi người ta trình bày một cái ảnh mà rối rít lên thì không cơ bản. Anh phải cầm máy cho chắc, phải cầm máy mà đợi, nếu không chưa chụp được thì đã gục ngã.”

Chưa dừng lại ở những câu chuyện lẻ, ông đã tập hợp thành bộ ảnh theo chủ đề: Hàng rong, gái mại dâm, ô nhiễm môi trường, vẻ đẹp thiên nhiên Hà Nội…để mỗi người, hãy lưu tâm một chút, băn khoăn một chút trước những số phận, vấn đề xã hội đang diễn ra trước mắt ta. Mỗi số phận, cuộc đời qua ống kính nhà nhiếp ảnh Quang Phùng hiện lên mồn một, nhói lòng, thể hiện sự đau đáu với những con người lao động.

Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng không phải là dân chuyên, không được học một cách bài bản về nhiếp ảnh. Môn nghệ thuật này đến với ông từ niềm yêu thích, rồi tự học. Ngay từ những năm tháng công tác ở Bộ Ngoại Giao, ông Quang Phùng đã có nhiều bức ảnh chụp đáng quý. Khi về hưu năm 1993, ông dành sự quan tâm tới những chủ đề liên quan đến cuộc sống thường nhật.

Có những lúc ông thơ thẩn ngắm nhìn phố cổ, người xích lô đạp xe trên phố cổ, những chị hàng hoa gánh hoa vào Ô Quan Chưởng, những cảnh đời trái nghịch để ông ghi chép. Nhiều khi bọn trẻ con tưởng ông là người dở hơi, trêu chọc ông. Nhưng ông chỉ cười rồi lại chụp.

Có những tháng, lần nào đi ra hồ Thiền Quang chụp ảnh tôi cũng gặp ông. Ông chụp những bát hương người ta ném xuống mặt hồ, cùng với rác rưởi, với những bơm kim tiêm nổi lềnh phềnh trên mặt hồ. Nhiều người xua đuổi ông, không muốn cho ông chụp.

"Bước đi trong mưa" (ảnh: Quang Phùng)

Nhiều người biết đến nhà nhiếp ảnh Quang Phùng là một nghệ sĩ cần mẫn trong làng ảnh, không thích photoshop. Ông có nhiều tác phẩm nghệ thuật đạt giải thưởng trong nước và quốc tế, có con mắt báo chí sắc sảo. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Nhật cho biết thêm: sự cẩn trọng, tỷ mỷ của nhà nhiếp ảnh Quang Phùng càng khiến cho mỗi tác phẩm ảnh của ông có tiếng nói riêng.

Ông thận trọng với từng bức ảnh và mỗi bức đều có tiếng nói của nó. Ảnh của ông, tuy tuổi cao nhưng cách chụp lại rất trẻ. Năm 1990, bức ảnh được huy chương vàng tại triển lãm toàn quốc lần thứ 16- ông chụp một diễn viên múa, bức ảnh tên là “Tóc Mây”. Ông chụp rất trẻ trung, rất cầu kì trong xử lý kĩ thuật. Nghệ thuật của nhiếp ảnh nhưng đam mê và sở trường của Quang Phùng là phóng sự ảnh, hết sức chặt chẽ, có tình có lý với nhiều vấn đề xã hội.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông muốn làm một quyển sách ảnh, muốn làm một triển lãm cá nhân nhưng với đồng lương hưu ít ỏi, không cho phép ông thực hiện ý định đó. Song có lẽ, bao nhiêu sách, bao nhiêu ảnh cũng là không đủ vì bộ sưu tập của ông quá đầy đặn, quá nhiều chủ đề mà ai nhìn thấy cũng phải lưu tâm, thậm chí mủi lòng./.