Tháng 9, Truyền hình FPT ra mắt chương trình kịch tương tác đầu tiên tại Việt Nam với lời giới thiệu: “Xem kịch theo một cách khác, chủ động hơn”. Ở các tình tiết quan trọng, khán giả có thể nhấn nút điều khiển và lựa chọn cái kết mà mình mong muốn. Điều này giúp thỏa mãn cảm xúc cá nhân, không còn tình trạng chia rẽ, tranh cãi khi hạ màn như trên sân khấu kịch truyền thống.

Dự án này vừa phát sóng 2 số đầu tiên với vở kịch “Soi gương” và “Thử thách tình yêu” dưới sự hợp tác dàn dựng, biểu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam. “Chúng tôi sẽ vừa làm vừa điều chỉnh kịch mục và công nghệ tương tác dựa trên phản ứng của khán giả”, đại diện đơn vị cho biết.

NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ bày tỏ sự tự tin với sân khấu kịch kiểu mới. Anh cho biết, dự án hội tụ nhiều ưu điểm: được đầu tư mạnh tay; đội ngũ diễn viên sân khấu tài năng, giàu kinh nghiệm; kịch bản phong phú và hấp dẫn, trong đó có nhiều tác phẩm mà anh tâm huyết ấp ủ hơn 20 năm.

Mặc dù không dám nói trước về sự thành công dài hạn, nhưng Chí Trung kỳ vọng với cách làm mới, tối ưu hóa chức năng tương tác, dự án sẽ kích thích người xem trở lại với thể loại kịch nói.

1_2_ufxr.jpg
NSƯT Chí Trung kỳ vọng vào tương lai khả quan của kịch tương tác.

Nhà nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu - TS Cao Xuân Ngọc nhận định: “Xu hướng tương tác được thế giới ngày càng trọng dụng trong nghệ thuật sân khấu. Song đưa nó lên sân khấu truyền hình thì tuy phổ biến ở nước ngoài mà chưa có ở Việt Nam. Chính vì thế, sự tiên phong đưa ra cách làm mới là điều rất đáng khích lệ”.

Điều mà TS Cao Xuân Ngọc lưu tâm là, chương trình này sẽ được đầu tư như thế nào và kế hoạch đường dài ra sao.

“Khi mới bắt đầu có Nhà hát truyền hình, công chúng cũng rất kỳ vọng. Thời gian đầu, các vở diễn được chọn lọc kỹ và tạo ra chất lượng thực sự. Nhưng dần dần, những vở kịch hay ngày một ít đi, sự đầu tư thì ‘đầu voi đuôi chuột’. Kết quả, giá trị chương trình đã giảm đi rất nhiều, biểu hiện bằng việc luôn được ‘ưu ái’ phát sóng vào những giờ xấu”, bà bày tỏ.

“Vì thế tôi quan tâm Truyền hình FPT sẽ đi đường dài với sân khấu hay không. Thường một đơn vị tư nhân, chỉ cần có dấu hiệu rơi vào nhàm chán, họ sẽ có cách để xoay chuyển, làm mới để tiệm cận với công chúng hơn”, TS Cao Xuân Ngọc nhấn mạnh.

Cùng góc nhìn, NSƯT Xuân Bắc, một trong những nghệ sĩ trẻ đầu tiên tham gia sân khấu tương tác cách đây 20 năm, chia sẻ: “Sân khấu tương tác hay gọi đúng là sân khấu diễn đàn không phải thể loại mới trên thế giới nhưng mới với chúng ta và với truyền hình thì càng mới”.

Đứng về góc độ cá nhân, anh thẳng thắn nói rằng mình ủng hộ dự án. Về mặt quản lý, anh nghĩ cũng nên ủng hộ. FPT là đơn vị mới trong lĩnh vực này, nên anh tin họ sẽ tạo dựng thương hiệu bằng việc cho ra đời những chương trình đề cao tính giải trí nhưng vẫn đảm bảo tính nhân văn, giáo dục.

“Điều quan trọng là những người làm chương trình sân khấu tương tác kiểu này phải hiểu nghề, có định hướng rõ ràng về nhận thức, nâng tầm khán giả lên chứ không nên dễ dãi nương theo thị hiếu”, danh hài nói thêm.

Xuân Bắc cũng ủng hộ loại hình mới mẻ này.

Đứng trước vấn đề hình thức mới có “tranh mất” một lượng khán giả lớn đến rạp hay không? NSƯT Chí Trung cho rằng: “Thời trước, chúng ta có rất ít loại hình giải trí nên sân khấu trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu. Bây giờ thì đúng với quy luật thị trường là phải cạnh tranh. Trong thời điểm này, các sân khấu đều đang khó khăn. Nhưng không vì thế mà chúng tôi có thể thúc thủ đầu hàng, ngược lại phải chọn cho mình một ‘đặc sản’ và một sức hút riêng”.

Nghệ sĩ Xuân Bắc cũng tỏ ra điềm tĩnh: “Không có gì tồn tại mãi mãi, ta có cố giữ mãi cũng không được. Sân khấu truyền hình tương tác ra đời là điều tất nhiên, còn có cướp hay không cướp mất khán giả của sân khấu truyền thống thì mình có muốn lo cũng không lo được. Khán giả sẽ tự lựa chọn hình thức để giải trí, nâng tầm hiểu biết, hưởng thụ cảm xúc nghệ thuật.”

“Nên nếu vào một ngày đẹp trời nào đó, nhà nhà người người làm sân khấu tương tác truyền hình mà ở đó vai trò vị trí của sân khấu được đảm bảo thì nó có thể thay thế sân khấu truyền thống và điều đó cũng đâu có vấn đề gì”, Xuân Bắc thẳng thắn.

Trong khi đó, TS Cao Xuân Ngọc lại cho rằng dự án kịch tương tác không có cái tham vọng lớn lao là thay thế sân khấu truyền thống: “Tôi nghĩ đơn thuần là họ muốn góp thêm vào mâm cơm một món ăn thú vị để khán giả có thêm quyền chọn lựa. Lẽ thường món nào ngon thì người nhiều gắp. Và món nào nhiều người gắp thì sẽ chiến thắng”./.