Lễ hội âm nhạc Thu hẹp khoảng cách - một trong những sự kiện xã hội – giải trí thú vị và giàu ý nghĩa đã diễn ra chiều 13/1, tại Hà Nội. Theo đó, nằm trong khuôn khổ chương trình, talkshow "Tọa đàm về Giáo dục và Lễ hội âm nhạc BridgeFest 2019" với sự tham gia của hai khách mời: Hoa hậu H'Hen Niê và ông Nguyễn Thành Nam - một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của ngành phần mềm Việt Nam, đã thu hút đông đảo giới trẻ Thủ đô. 

Tiếp nối thông điệp “Thu hẹp khoảng cách”, BridgeFest 2019 truyền cảm hứng cho các bạn trẻ tham gia hoạt động cộng đồng, đóng góp vì một xã hội bình đẳng, đặc biệt trong giáo dục và y tế. 

vov_henhen_gxaw.jpg
Hoa hậu H'Hen Niê và ông Thành Nam hòa mình cùng lễ hội âm nhạc BridgeFest 2019 

Với quan điểm “Giáo dục là phải biến những cậu bé chăn bò thành kỹ sư công nghệ”, ông Nguyễn Thành Nam đã xây dựng đại học trực tuyến đào tạo ngành kỹ sư phần mềm theo hình thức Online, mang lại cơ hội học tập lĩnh vực này cho hàng nghìn người thuộc mọi lứa tuổi ở trong và ngoài nước. Đồng thời, ông cho rằng, cơ hội tiếp cận giáo dục và phát triển bản thân là điều vô cùng cần thiết.

Còn với Hoa hậu H'Hen Niê, cô chia sẻ về cơ hội giáo dục và câu chuyện vươn lên không ngừng nghỉ của bản thân trong học tập và công việc. Người đẹp gốc dân tộc Ê Đê kể, "Tôi đến từ một dân tộc thiểu số, thay vì tảo hôn, tôi đã lựa chọn đi học. Cũng như những đứa trẻ trong buôn làng, từ nhỏ, tôi đã đi lên rẫy, chăn bò dưới cái nắng cháy da, thịt của mảnh đất Tây Nguyên. 

Thế rồi sau này, khi đã bước sang tuổi 13, 14, nếu như những đứa trẻ trong buôn làng chỉ học hết cấp 1, cấp 2 rồi lấy vợ, lấy chồng thì tôi nhất quyết nói "không" với việc lập gia đình sớm vì niềm đam mê được theo đuổi giáo dục. Thời điểm đó, mẹ tôi cũng từng lo lắng khi con gái 13 tuổi chưa có người yêu và muốn tôi nghỉ học để lấy chồng".

"Mặc cho cha mẹ thuyết phục, tôi vẫn quyết tâm "cãi lời" để được đi học. Vốn sinh trưởng trong một gia đình nghèo, để trang trải cho việc học và theo đuổi niềm đam mê, tôi đã từng phải làm thêm rất nhiều nghề từ phát tờ rơi, làm ô-sin, nhân viên chạy bàn. Lên đại học năm 2, tôi bắt đầu bén duyên với nghề người mẫu và có thu nhập tốt hơn để ổn định cuộc sống" - H'Hen Niê chia sẻ thêm.

Cuối cùng, H'Hen Niê thừa nhận, nếu từ bỏ việc học, nếu chỉ chấp nhận sống một cuộc sống kết hôn năm 13 tuổi theo tục lệ dân tộc Ê Đê thì hẳn hiện tại, cô cũng chỉ là một cô gái bình dị như bao cô gái cùng quê, ngày ngày lên rẫy, làm ruộng. Và cũng sẽ chẳng có một H'Hen Niê đầy bản lĩnh, mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Thành tích của H'Hen Niê không chỉ viết nên câu chuyện cổ tích đời thường của riêng cô mà còn truyền cảm hứng cho những người con gái dân tộc Ê Đê tự tin tìm con đường của riêng mình và biết rằng không phải lấy chồng từ tuổi 13 theo tục lệ là con đường duy nhất. Cả những cô gái khác cũng sẽ tự tin và hiểu rằng họ đẹp nhất khi là chính mình.

Bên cạnh buổi tọa đàm, "BridgeFest 2019" còn là không gian của các hoạt động triển lãm, workshop và nhiều hoạt động ý nghĩa với 40 tổ chức xã hội - dân sự tham gia. Tại sự kiện, các bạn trẻ có cơ hội hiểu hơn về sự đa dạng và khác biệt trong xã hội, vừa hiện thực, trần trụi nhưng không thiếu đi sức sống và khát vọng đổi thay.

Tiền thân là SEA Pride 2016 – sự kiện âm nhạc tôn vinh sự đa dạng trong cộng đồng, đến nay, "BridgeFest" đã được tổ chức 4 năm liên tiếp và trở thành sự kiện cộng đồng ý nghĩa, thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia và lan tỏa thông điệp tích cực. "BrideFest 2019" mang lại sự đột phá trong quy mô tổ chức, sự đa dạng và ý nghĩa của các hoạt động.

Tiếp nối thông điệp “Thu hẹp khoảng cách”, "BridgeFest 2019" kêu gọi cộng đồng chung tay gỡ bỏ các rào cản và khoảng cách trong xã hội Việt Nam như giới tính, thu nhập, địa lý, văn hóa, tôn giáo. Đặc biệt, sự kiện năm nay nhằm truyền cảm hứng cho các bạn trẻ tham gia hoạt động cộng đồng, đóng góp vì một xã hội bình đẳng, đặc biệt trong giáo dục và y tế./.