Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hoàng qua đời vào chiều 26/7. Lễ viếng diễn ra từ ngày 27 đến 28/7 tại Nhà tang lễ Lê Quý Đôn. Lễ động quan vào sáng 29/7, sau đó linh cữu được hỏa táng ở Bình Hưng Hòa.

xe_cho_linh_cuu_thanh_hoang_ng_1887_1929_1532825729_llhx.jpg
Sáng 29/7, xe chở linh cữu của nghệ sĩ Thanh Hoàng đi từ Nhà tang lễ Lê Quý Đôn ngang qua trụ sở Hội Sân khấu TP HCM và Nhà hát nhỏ 5B Võ Văn Tần - "mái nhà nghệ thuật" Thanh Hoàng gắn bó lúc sinh thời. Ảnh: Khang Thái.

7h, nghi thức động quan bắt đầu. Trên đường đến đài hỏa táng, xe chở linh cữu đi ngang nhà riêng của Thanh Hoàng ở đường Võ Thị Sáu, và dừng lại ở Hội Sân khấu TP HCM - Nhà hát nhỏ 5B Võ Văn Tần (quận 3), nơi gắn bó nhất với nghệ sĩ Thanh Hoàng lúc sinh thời.

Chị Phương Đào - vợ nghệ sĩ Thanh Hoàng - bên linh cữu chồng trước giờ làm lễ động quan.

Trước đó, từ sáng sớm, tại nhà tang lễ, chị Phương Đào - vợ cố nghệ sĩ - và hai con trai Tuấn Khương, Tuấn Khôi túc trực bên linh cữu, thắp hương và sắp đặt mọi việc để chuẩn bị cho hành trình tiễn biệt anh.

Đạo diễn Hồng Dung - Phó Chủ tịch Hội sân khấu TP HCM - đại diện giới sân khấu đọc lời chia buồn với gia đình nghệ sĩ. Giữa chừng, bà tháo kính, giọng nghẹn lại vì xúc động. "Đây là mất mát lớn của gia đình, sân khấu và khán giả. Thanh Hoàng là một nghệ sĩ tài năng, đam mê, khao khát và đầy trách nhiệm trong nghề nghiệp. Anh đã có quá trình cống hiến cho sân khấu ở nhiều vai trò: biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quản lý, giảng dạy...", đạo diễn Hồng Dung chia sẻ.

Bà Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM - vừa khóc vừa đọc điếu văn: "Anh ra đi ở độ tuổi sung sức nhất của người nghệ sĩ sân khấu. Từ một công nhân lao động chân tay, anh khổ luyện để trở thành diễn viên tài năng. Ở lớp, anh là lớp trưởng luôn bảo ban đồng nghiệp. Lớp diễn viên năm nào của anh chắc giờ đang ngân ngấn nước mắt nhớ về lớp trưởng tài năng. Đối với anh, sân khấu là nơi chất chứa bao ân tình, tao ngộ phong lưu. Nhớ về anh, không thể nào quên một nghệ sĩ dáng cao gầy, lãng tử...". Trong lời cảm tạ của gia đình, anh Tuấn Khương - con trai cả của Thanh Hoàng - bày tỏ: "Con tin ba con đang mỉm cười nơi chín suối".

Nghệ sĩ Thanh Thúy đọc điếu văn ở tang lễ của cố nghệ sĩ Thanh Hoàng.

Cố NSƯT Thanh Hoàng là "cha đẻ" của kịch bản Dạ cổ hoài lang - tác phẩm được dàn dựng thành công trên sân khấu 5B Võ Văn Tần (TP HCM). Năm 1993, Thanh Hoàng nghĩ ra ý tưởng viết một kịch bản về cuộc sống Việt kiều nơi đất khách quê người. Nội dung kết hợp những cảm xúc của bản cổ nhạc Dạ cổ hoài lang (cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu) cùng các câu chuyện do anh đọc trên báo và qua lời kể bạn bè. Từ khi công diễn lần đầu vào năm 1994, đến nay, tác phẩm đã có hơn 1.000 suất, gây dấu ấn sâu đậm với nhiều khán giả.

Nghệ sĩ Thanh Hoàng sinh năm 1963 ở Bạc Liêu, trong gia đình nghèo có năm anh em. Năm 1984, anh tốt nghiệp Đại học sân khấu điện ảnh TP HCM, công tác tại Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận. Anh tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng, đóng và dàn dựng nhiều vở kịch. Do vẻ ngoài và phong thái nghiêm nghị, từ độ tuổi đôi mươi, diễn viên thành công qua các vai già, vai ông lớn trong các vở kịch cổ điển nước ngoài. Năm 2010, anh được trao danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Cố nghệ sĩ từng giữ vai trò quản lý sân khấu 5B Võ Văn Tần và là một trong những người tham gia gây dựng sân khấu kịch Phú Nhuận cùng "bà bầu", Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân./.